Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Sau 5 năm triển khai Nghị định số 98/2018/NÐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã xây dựng được hàng trăm chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm hiệu quả.
Tỉnh Sơn La tổ chức nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản thế mạnh của các cơ sở.
Tỉnh Sơn La tổ chức nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản thế mạnh của các cơ sở.

Qua đó, đã khẳng định được việc liên kết sản xuất chính là một trong những giải pháp giúp xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm hài hòa, ổn định lợi ích của các chủ thể tham gia.

Đưa chúng tôi đi thăm vùng trồng cà-phê hữu cơ và dây chuyền sản xuất cà-phê cũng theo hướng hữu cơ với sự liên kết trong sản xuất của hàng trăm hộ trồng cà-phê, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã cà-phê Bích Thao, thông tin: "Năm 2017, tôi đã liên kết với 11 hộ trồng cà-phê ở bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La để thành lập hợp tác xã cà-phê Bích Thao. Khi đó, hợp tác xã còn ký hợp đồng thu mua cho 800 hộ trồng cà-phê trên địa bàn tỉnh Sơn La. Mục đích của việc liên kết này là nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, xây dựng uy tín, thương hiệu cà-phê".

Giới thiệu về khu trồng cà-phê tập trung, ông Nguyễn Xuân Thao chia sẻ thêm: Hợp tác xã cũng đã tập trung mở rộng quy mô, tích cực ứng dụng khoa học-công nghệ trong các khâu sản xuất, triển khai mô hình trồng cà-phê an toàn, tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cà-phê đặc sản, xuất khẩu theo hướng bền vững, xây dựng sản phẩm OCOP năm sao. Năm 2023, sản lượng cà-phê của hợp tác xã đạt khoảng 4.000 tấn, trong đó hơn 90% là xuất khẩu với giá trị ước đạt từ 15-20 tỷ đồng.

Có thể thấy, nhiều năm qua, các hộ trồng cà-phê ở Sơn La không còn bị tư thương ép giá là nhờ liên kết sản xuất với các hợp tác xã, doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật là hàng trăm hộ trồng cà-phê ở thành phố Sơn La đã không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm cà-phê khi đã liên kết sản xuất với Hợp tác xã cà-phê Bích Thao. Giờ đây, ngoài việc tập trung vào sản xuất theo chuỗi liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định, hàng trăm hộ trồng cà-phê nơi đây còn tăng được giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập so với trước đây.

Trên thực tế, hiện tại tỉnh Sơn La có hơn 350 nghìn héc-ta đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, không theo nhu cầu của thị trường, cho nên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai. Năng lực sản xuất của nông dân còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thiếu và yếu ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ nông sản. Mặt khác, chưa tạo được mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết: Nghị định số 98/2018/NÐ-CP của Chính phủ ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao lợi ích của các cá nhân tham gia trong chuỗi liên kết. Việc triển khai hiệu quả Nghị định số 98 đã khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản sạch, an toàn theo các tiêu chuẩn. Ðây cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La.

Trong quá trình triển khai Nghị định số 98, tỉnh Sơn La đã lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chính sách hỗ trợ, chế biến, sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Sơn La theo giai đoạn và chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Theo đó, Sơn La đã hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng cho 280 doanh nghiệp, hợp tác xã để xây dựng, duy trì các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; đồng thời phê duyệt 89 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Sơn La đã có 85 dự án được nghiệm thu với tổng kinh phí gần 166,7 tỷ đồng.

Việc triển khai Nghị định số 98 đã và đang khẳng định việc liên kết sản xuất chính là một trong những giải pháp giúp tỉnh Sơn La xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm hài hòa, ổn định lợi ích của các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều "rào cản" khiến việc xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa đạt được như mong muốn. Bởi thực tế cho thấy, do nguồn kinh phí không được phân bổ hằng năm mà lồng ghép từ các chương trình; các doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận do vướng mắc về trình tự, thủ tục hồ sơ, các điều kiện để được hỗ trợ và các chính sách của tỉnh Sơn La cũng chưa cụ thể hóa theo Nghị định số 98.

Trao đổi ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho rằng: Ðể phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị gia tăng cao, công tác tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết là rất quan trọng, làm sao cho các bên tham gia liên kết nhận thức được lợi ích lâu dài, cùng thống nhất, bàn bạc kế hoạch thực hiện liên kết là yếu tố quyết định sự thành công của một chính sách.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tập trung phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa gắn với đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất hiện đại; chủ động xây dựng, tổ chức hình thức liên kết phù hợp mỗi ngành hàng cũng như thế mạnh của từng cơ sở và lựa chọn, ưu tiên nội dung hỗ trợ hợp lý... Ðiều đó cho thấy, sau 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bước đầu đã giúp người dân, các hợp tác xã ở Sơn La thay đổi được tư duy sản xuất, áp dụng hiệu quả các giải pháp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát huy được tiềm năng đất đai, lao động tại các cơ sở...