Xây dựng nông thôn mới

Liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Trong bối cảnh hiện nay, liên kết là chìa khóa giúp xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Đối với Bắc Ninh, một tỉnh công nghiệp năng động, nông nghiệp dù phát triển với quy mô khiêm tốn nhưng địa phương xác định đây là vùng dự trữ lương thực. Do vậy, tỉnh triển khai nhiều giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác trong nông nghiệp, qua đó thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Bắc Ninh phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Tại phiên chợ kết nối nông sản tỉnh Bắc Ninh năm 2023.
Tại phiên chợ kết nối nông sản tỉnh Bắc Ninh năm 2023.

Bắc Ninh hiện có 219 tổ hợp tác, 556 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm khoảng 80% tổng số hợp tác xã toàn tỉnh, với 64 nghìn thành viên. Tổng số vốn hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp là hơn 334 tỷ đồng. Để thúc đẩy liên kết trong nông nghiệp, việc kết nối các hộ, cơ sở sản xuất nhỏ, hình thành các tổ hợp, chuỗi sản xuất quy mô đóng vai trò then chốt.

Phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp

Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả nông sản an toàn Liên Ấp (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du) là điển hình trong việc tập hợp, gắn kết nông dân tham gia vào chuỗi nông nghiệp tại Bắc Ninh. Thành lập năm 2017, hiện hợp tác xã quy tụ 140 hộ thành viên, diện tích canh tác là 20ha chuyên rau và 10ha cây ăn quả. Để bảo đảm nông sản đạt năng suất, chất lượng cao, ngay từ đầu, Liên Ấp đã xác định xây dựng quy trình trồng rau, quả an toàn bằng áp dụng phương pháp kỹ thuật tiên tiến, nguồn nước sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Giám đốc Hợp tác xã Liên Ấp Nguyễn Văn Hiệp cho biết: Trong quá trình triển khai, Hợp tác xã Liên Ấp đã được Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ về cơ chế, chính sách, kinh phí đầu tư trang thiết bị, máy móc, vật tư, chuyển giao và tập huấn khoa học-kỹ thuật, kết nối tiêu thụ nông sản,... nhờ đó giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và giá trị thu nhập cho nông dân.

Cùng với phát triển hợp tác xã và kinh tế tập thể, Bắc Ninh cũng quan tâm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, lao động, thị trường, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh Nguyễn Công Trình, chính điều này đã giúp cho sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ngày càng được thúc đẩy, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bắc Ninh hiện có 72 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; 25 cơ sở đạt tiêu chuẩn VietGAP; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính,...

Tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

Từ nhiều năm nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Vĩnh Cửu (xã An Thịnh, huyện Lương Tài) đã phối hợp hiệu quả trong liên kết sản xuất ớt xuất khẩu. Theo thỏa thuận, doanh nghiệp cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân công cán bộ hướng dẫn nông dân từ kỹ thuật làm đất, cách gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến khi thu hoạch và đảm nhận thu mua toàn bộ sản phẩm. Hợp tác xã có trách nhiệm ký kết hợp đồng với từng hộ nông dân tham gia và tổ chức sản xuất, bảo đảm các điều kiện tưới, tiêu nước, tuân thủ quy trình kỹ thuật...

Theo Giám đốc Hợp tác xã Ngăm Mạc Nguyễn Đắc Thành, do ký kết giá tiêu thụ cố định ngay từ đầu, cho nên hợp tác xã hạch toán được đầu vào, đầu ra, từ đó, tạo sự yên tâm cho các thành viên. Qua hơn 5 năm triển khai, mô hình liên kết này đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với sản xuất nhỏ lẻ trước kia, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Ngoài Hợp tác xã Ngăm Mạc, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có gần 20 hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hơn 10 hợp tác xã tham gia chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cùng hàng chục hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa khác.

Điển hình như: Kết nối doanh nghiệp cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra với Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Công ty CP Đại Thành (thành phố Bắc Ninh); Mô hình liên kết sản xuất lúa giống của Công ty CP giống cây trồng Bắc Ninh; Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ khoai tây thương phẩm của Công ty Orion (khu công nghiệp Yên Phong); Hợp tác xã rau sạch Hoàng Gia (xã Bình Dương, huyện Gia Bình), Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (xã Minh Tân, huyện Lương Tài); các trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty CP Tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH CJ Agri Việt Nam, Công ty TNHH JAPFA COMFEED Việt Nam...

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Ninh Đặng Đức Thính cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tích cực tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện thủ tục hưởng chính sách của Nhà nước như hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật và định hướng thị trường; đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đặc biệt, việc khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị, tăng cường liên kết giữa các chủ thể đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả kinh tế nông nghiệp ở Bắc Ninh.

Hiệu quả trong liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp, mô hình kinh tế nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến nay, Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh, thành phố có tất cả các xã được công nhận đạt chuẩn và cả tám đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu, đã có 9 trong số 89 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.