Liên hợp quốc ước tính mất 14 năm để dọn dẹp đống đổ nát ở Gaza

Tròn 1 năm sau khi cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas và Israel bùng phát tại Dải Gaza, khắp nơi trên dải đất này là đống gạch đá đổ nát - vết tích của những tòa nhà, những vũng nước ô nhiễm có nguy cơ lây lan bệnh tật.
Người Palestine di tản đến trại tị nạn Jabalia, phía bắc Dải Gaza, ngày 6/10/2024. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Người Palestine di tản đến trại tị nạn Jabalia, phía bắc Dải Gaza, ngày 6/10/2024. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Liên hợp quốc ước tính hơn 42 triệu tấn gạch đá đổ nát tại Gaza, trong đó có những tòa nhà bị hư hại nặng hoặc đã bị san phẳng. Con số này gấp 14 lần lượng gạch đá đổ nát tích tụ ở Gaza từ năm 2008 đến khi xung đột bùng phát. Nếu chất đống, lượng gạch đá này sẽ lấp đầy 11 Kim tự tháp Giza lớn nhất Ai Cập. Điều đáng nói, lượng gạch đá đổ nát này vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục tăng lên mỗi ngày.

Theo dữ liệu vệ tinh của Liên hợp quốc, gần 70% số công trình ở Gaza trước khi xung đột bùng phát, tương đương hơn 163.000 tòa nhà, đã bị hư hại hoặc san phẳng, trong đó hơn 30% là các tòa nhà cao tầng. Gần 70% số nhà máy nước tại Gaza bị phá hủy hoặc hư hại, trong đó có toàn bộ 5 nhà máy xử lý nước thải. Liên hợp quốc ước tính rằng nếu xung đột tại Gaza chấm dứt ngay bây giờ, phải mất khoảng 1,2 tỷ USD và tới 14 năm mới có thể dọn sạch số đất đá này.

Trước đây, đống đổ nát ở Gaza đã từng được sử dụng để xây các cảng biển. Do đó, Liên hợp quốc hy vọng có thể tận dụng đống gạch đá đổ nát hiện nay để tái thiết một phần mạng lưới đường bộ và củng cố bờ biển. Tuy nhiên, do dải đất này vẫn bị phong tỏa, nên công việc này chắc chắn có nhiều hạn chế, do thiếu máy móc.

Hiện một nhóm công tác, do Liên hợp quốc đứng đầu, đang lên kế hoạch thực thi dự án dọn dẹp thí điểm tại Khan Younis và thành phố Deir El-Balah trong tháng này. Ông Alessandro Mrakic, người đứng đầu Văn phòng Gaza của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đồng chủ trì nhóm công tác, coi đây là thách thức lớn, song không thể trì hoãn. Ông cho rằng có thể vẫn còn tới 10.000 thi thể bị vùi lấp trong đống đổ nát cùng những quả bom chưa phát nổ. Đó là chưa kể các mảnh vỡ có nguy cơ gây thương tích, trong khi bụi chứa sợi amiăng có thể gây ung thư thanh quản, buồng trứng và phổi khi hít phải.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết gần 1 triệu trường hợp đã mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính ở Gaza trong 1 năm qua. Người phát ngôn của WHO Bisma Akbar cho biết bụi là "mối quan ngại đáng kể", có thể làm ô nhiễm nước và đất, kéo theo việc người dân mắc bệnh phổi. Các bác sĩ cũng lo ngại các ca ung thư và dị tật bẩm sinh tại Gaza có thể tăng do rò rỉ kim loại trong những thập kỷ tới.