Phiên họp sẽ diễn ra trong ngày 28/2 và tất cả 193 thành viên của Liên hợp quốc đều có cơ hội bày tỏ quan điểm đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay.
Nga đã bỏ phiếu chống, song theo quy định của LHQ, Moskva không có quyền phủ quyết đối với nghị quyết triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng.
Cuộc họp do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất sẽ có sự tham dự của nhiều quan chức lãnh đạo đại diện cho các cơ quan cứu trợ nhân đạo và tị nạn của Liên hợp quốc. Pháp, 1 trong 5 quốc gia giữ vị trí Ủy viên Thường trực HĐBA đã đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp này.
Theo ước tính của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến hơn 120 nghìn người phải di tản sang các nước láng giềng trong tuần qua. Họ chủ yếu di chuyển tới Ba Lan, ngoài ra còn có các điểm đến khác là Moldova, Romania, Hungary và Slovakia.
Trước đó, trong ngày 25/2, Nga dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn thông qua nghị quyết của HĐBA về động thái quân sự của Nga ở Ukraine.
Việc nghị quyết về Ukraine không được thông qua tại HĐBA khiến các nước ủng hộ kêu gọi 1 cuộc bỏ phiếu nhanh chóng về 1 biện pháp tương tự tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Không có quyền phủ quyết tại Đại Hội đồng gồm 193 nước thành viên này.
Bộ trưởng Nội vụ Đức, bà Nancy Faeser ngày 27/2 cho biết, những người chạy nạn do xung đột từ Ukraine sẽ được tiếp nhận một cách nhanh chóng và không quan liêu vào các nước Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu sau hội nghị bất thường của các bộ trưởng nội vụ EU cùng ngày, Bộ trưởng Faeser cho biết, tại hội nghị, lần đầu tiên các nước EU đã đạt đồng thuận giữa tất cả các quốc gia thành viên về việc cùng tiếp nhận người tị nạn chiến tranh một cách nhanh chóng và không quan liêu thủ tục giấy tờ. Bà nhấn mạnh rằng tất cả các nước EU đã sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn chiến tranh từ Ukraine.
Bộ trưởng Đức cho biết, các bộ trưởng nội vụ EU tại cuộc họp hôm 3/3 tới sẽ quyết định áp dụng 1 thủ tục tiếp nhận tương tự ở tất cả các quốc gia thành viên. Cụ thể, những người tị nạn từ Ukraine không phải làm thủ tục xin tị nạn mà nhận được sự bảo hộ tạm thời ở EU trong tối đa 3 năm. Quy định đặc biệt này được EU lần đầu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều đơn xin tị nạn tới mức quy trình thông thường có thể bị quá tải, cụ thể trong trường hợp này là xuất hiện "dòng người tị nạn ồ ạt" đổ vào EU. Quy định này được đưa ra sau cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ những năm 90 của thế kỷ trước, song cho tới nay chưa từng được áp dụng, kể cả khi xuất hiện làn sóng người tị nạn năm 2015 và 2016.
Tại cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ EU tới đây sẽ chỉ cần tối thiểu 15 nước EU chiếm ít nhất 65% dân số của khối đồng ý để quy định này được kích hoạt. Các tiêu chuẩn tối thiểu mà tất cả các nước EU phải bảo đảm khi tiếp nhận người tị nạn Ukraine, bao gồm phải cấp cho họ giấy phép lao động, trợ cấp xã hội, chăm sóc y tế, giáo dục cho trẻ vị thành niên và trong một số điều kiện nhất định gồm cả khả năng đoàn tụ gia đình.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, tới ngày 27/2 đã có khoảng 370 nghìn người từ Ukraine đi lánh nạn sang các nước láng giềng. Ủy viên châu Âu phụ trách viện trợ nhân đạo và giải quyết khủng hoảng Janez Lenarcic ước tính, đến nay, có thể đã có trên 7 triệu người Ukraine phải đi lánh nạn. Nếu tình hình giao tranh kéo dài hơn, khoảng 18 triệu người Ukraine cần viện trợ nhân đạo và đây sẽ là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở lục địa châu Âu trong nhiều năm qua.
EU cùng ngày tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, triển khai hành động cứng rắn với Belarus, đồng thời tài trợ vũ khí cho Ukraine.
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU lần đầu tiên sẽ tài trợ cho hoạt động mua và chuyển giao vũ khí, cũng như các thiết bị khác cho Ukraine.
Theo bà Von der Leyen, EU sẽ đóng cửa không phận đối với các máy bay của Nga, kể cả máy bay cá nhân của các doanh nhân Nga. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ cấm kênh truyền hình nhà nước Russia Today và hãng thông tấn Sputnik của Nga phát sóng bên trong phạm vi của khối.
Đối với Belarus, EU sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên các sản phẩm nhập khẩu từ nước này, từ các loại nhiên liệu đến thuốc lá, gỗ, xi măng, sắt và thép.
Một nguồn thạo tin tiết lộ Ủy ban châu Âu dự kiến sử dụng 450 triệu euro (khoảng 507 triệu USD) trong các quỹ của EU để tài trợ chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Ngoài ra, 1 khoản hỗ trợ 50 triệu euro bổ sung sẽ được dùng để mua các mặt hàng khác, chằng hạn như vật tư y tế, dành cho Ukraine.
Liên quan đến vấn đề Ukraine, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger ngày 27/2 tuyên bố, nước này sẵn sàng tổ chức những cuộc đàm phán giữa Moskva và Kiev tại thủ đô Bratislava nếu 2 bên đồng ý.
Hãng thông tấn Sputnik dẫn phát biểu của Thủ tướng Heger trên kênh truyền hình TA3 khẳng định: “Ukraine đã nêu rõ Bratislava là 1 trong những địa điểm có thể diễn ra những cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Slovakia sẵn sàng làm mọi việc có thể để tổ chức những cuộc đàm phán như vậy nếu nhận được lời đề nghị thực sự”.
Cũng trong ngày 27/2, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad' cho biết, nội các nước này đã nhất trí cung cấp thiết bị quân sự với tổng giá trị 4,5 triệu euro (5 triệu USD) cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không và tên lửa chống tăng.