Liên hợp quốc cảnh báo Yemen đối mặt nạn đói trong bối cảnh viện trợ cắt giảm

NDO -

Khủng hoảng nhân đạo ở Yemen có nguy cơ ngày càng trầm trọng, trước bối cảnh Liên hợp quốc nhiều khả năng buộc phải cắt giảm viện trợ cho nước này trong những tháng tới do thiếu nguồn tài trợ.

Người dân Yemen xếp hàng nhận phiếu mua thực phẩm tại 1 trung tâm phân phối do Chương trình Lương thực thế giới hỗ trợ ở Sanaa, Yemen, ngày 3/6/2020. (Ảnh: REUTERS)
Người dân Yemen xếp hàng nhận phiếu mua thực phẩm tại 1 trung tâm phân phối do Chương trình Lương thực thế giới hỗ trợ ở Sanaa, Yemen, ngày 3/6/2020. (Ảnh: REUTERS)

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo, ông Martin Griffiths cảnh báo, tình trạng này có thể dẫn đến việc cắt giảm hỗ trợ lương thực cho Yemen, đẩy hàng triệu người đối mặt với nạn đói, trong khi xung đột dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này vẫn tiếp tục leo thang.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Griffiths thông tin, tính đến cuối tháng 1 vừa qua, Liên hợp quốc đã phải cắt giảm hoặc tạm dừng gần 2/3 các chương trình viện trợ lớn của mình.

"Các hoạt động nhân đạo bắt đầu thu hẹp lại do các cơ quan viện trợ đang nhanh chóng cạn ngân sách, buộc phải cắt giảm các chương trình cứu trợ nhân đạo", ông Griffiths nêu vấn đề.

Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, Kế hoạch Ứng phó nhân đạo năm 2021 của tổ chức này mới chỉ nhận được 58% số tiền cam kết từ các nhà tài trợ.

Những yêu cầu khác nhau từ các nhà tài trợ cùng lo ngại về tình trạng gián đoạn các hoạt động cứu trợ ở Yemen đã góp phần gây ra tình trạng thiếu ngân sách này, bất chấp việc một số nhà tài trợ đã cam kết nâng mức viện trợ từ giữa năm 2021 khi có cảnh báo về nạn đói leo thang ở Yemen.

Xung đột giữa lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn và liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen đã kéo dài gần 7 năm. Cùng với đó, sự sụp đổ kinh tế đã khiến 80% dân số Yemen phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.

Kể từ tháng 1, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã buộc phải cắt giảm khẩu phần ăn cho 8 triệu trong số 13 triệu người Yemen được WFP hỗ trợ lương thực. Ông Griffiths cho biết, nguồn cung này có thể phải cắt giảm hơn nữa từ tháng 3 hoặc thậm chí dừng lại.

Theo ước tính của WFP, chi phí trung bình của 1 giỏ thực phẩm tối thiểu trong năm 2021 đã tăng đến 140% ở miền nam Yemen, trong khi ở các khu vực do phiến quân Houthi kiểm soát, mức tăng này là 38%.

Các nỗ lực ngừng bắn đang bị đình trệ khi các bên liên quan trong xung đột ở Yemen tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự. Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Yemen, ông Hans Grundberg cho biết, đang tiếp tục thúc đẩy các hoạt động giảm leo thang, trong đó bao gồm cuộc tham vấn sắp tới với các bên liên quan tại Yemen vào tuần sau.