Cùng dự buổi lễ có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và một số địa phương; đại sứ các nước và các vị khách quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai gửi lẵng hoa chúc mừng.
Diễn văn do Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trình bày nêu rõ, trên chặng đường 60 năm qua, VCCI là tổ chức tiên phong trong phát động và triển khai nhiều hoạt động quan trọng vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập VCCI. |
Nổi bật là nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân, chủ động đề xuất và tham gia xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; nghiên cứu, đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 và tiến hành công bố hằng năm; phát động và đi đầu trong phát động phong trào thúc đẩy khởi nghiệp với Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia; thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp do nữ làm chủ; định kỳ hằng tháng, hằng quý VCCI tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị để xử lý, giải quyết.
Từ 93 hội viên ban đầu, đến nay, VCCI có mạng lưới hội viên rộng lớn trên toàn quốc với hơn 200 hiệp hội doanh nghiệp và hơn 200 nghìn doanh nghiệp.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao trong 60 năm qua, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao trong 60 năm qua, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước. Sự nỗ lực của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần để đất nước ta chưa bao giờ “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện cho sự phát triển, lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; xác định đội ngũ doanh nhân là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, doanh nghiệp, doanh nhân nước ta vẫn có những hạn chế bất cập về kiến thức, sự am hiểu pháp luật, khả năng cạnh tranh và hội nhập; một bộ phận doanh nhân thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật; vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm đã thỏa hiệp, thậm chí cấu kết với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý Nhà nước làm phát sinh thêm các tiêu cực xã hội.
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. |
Nhắc lại mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, để đạt được khát vọng đó, phải xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ năng lực, ngang tầm khu vực và thế giới. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có kiến thức và trình độ, có ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc mạnh mẽ, có bản lĩnh vững vàng, khả năng hội nhập cao là trăn trở và ưu tiên của Đảng, Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế.
Bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60-65%.
Mỗi doanh nhân phải luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Mỗi doanh nghiệp phải vững chí lớn, có tầm nhìn chiến lược, coi trọng phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ, lấy đó làm nền tảng, sức mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Chủ tịch nước cũng yêu cầu mỗi doanh nhân phải luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Mỗi doanh nghiệp phải vững chí lớn, có tầm nhìn chiến lược, coi trọng phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ, lấy đó làm nền tảng, sức mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; phải coi đạo đức, văn hóa kinh doanh là yếu tố cốt lõi trong phát triển của mỗi doanh nghiệp; tăng cường đoàn kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo sức mạnh của thương hiệu Việt trên thương trường.
Theo Chủ tịch nước, để phát triển bền vững, doanh nghiệp, doanh nhân phải tuân thủ pháp luật, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp, của cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, lợi ích cộng đồng.
Mỗi doanh nhân phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, biết điều gì đúng nên làm để phát huy và điều gì sai không nên làm. Việc xử lý sai phạm đối với một số doanh nghiệp, cá nhân trong thời gian qua chính là yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật, là việc bắt buộc phải làm để môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch hơn cho các doanh nghiệp, để lợi ích chính đáng thuộc về người làm ra nó và xã hội, để loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất trong cơ quan Nhà nước.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, doanh nhân về những thách thức, khó khăn đang gặp phải, Chủ tịch nước cho rằng những thách thức này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân tự đổi mới mình để trở nên mạnh mẽ hơn, vượt qua khó khăn, xây dựng bằng được uy tín của thương hiệu Việt, để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đặt niềm tin vào các doanh nghiệp, Chủ tịch nước mong muốn, phát triển doanh nghiệp không chỉ hướng tới tạo ra các tỷ phú, mà hơn nữa, còn phải tạo ra các tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, sở hữu các công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi, hoạt động ở tầm đa quốc gia.
Để giúp các doanh nghiệp phát triển, Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; không ngừng hoàn thiện khung pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, giữ nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, an toàn để các doanh nghiệp thuận lợi gia nhập thị trường, khởi nghiệp, không ngừng phát triển.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng các doanh nghiệp tại Lễ ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. |
Chủ tịch nước đề nghị Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải thực sự là trung tâm tập hợp, đoàn kết và hỗ trợ, là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với giới doanh nhân, doanh nghiệp, chuyển tải được nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp, thực tiễn sản xuất, kinh doanh vào quá trình xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhấn mạnh, trong quá trình đổi mới đất nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận hữu cơ quan trọng trong cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đó là cơ hội để các doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam cam kết tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài theo pháp luật và các điều ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Tại buổi lễ, VCCI đã thành lập và cho ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam gồm 21 thành viên đầu tiên là đại diện các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam.