VCCI với hành trình 60 năm đồng hành cùng doanh nghiệp

Suốt 60 năm qua (1963-2023), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tiền thân là Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn có nhiều đóng góp to lớn với sự phát triển của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam; xứng đáng vai trò tổ chức quốc gia tập hợp, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trao chứng nhận cho tốp 10 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm 2022. (Ảnh MINH DŨNG)
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trao chứng nhận cho tốp 10 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm 2022. (Ảnh MINH DŨNG)

60 năm nhìn lại chặng đường, tự hào về truyền thống vẻ vang của một tổ chức thúc đẩy phát triển kinh tế, đại diện quốc gia của giới doanh nhân, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo thành lập.

Tạo bước đột phá cho cộng đồng doanh nghiệp

Ngày 27/4/1963, thay mặt Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 58-CP phê chuẩn bản điều lệ, đánh dấu chính thức sự ra đời của Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó, ngày 27/4/1963 đã đi vào lịch sử nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là ngày thành lập và ngày truyền thống của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từ tháng 11/2022 đổi tên là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong giai đoạn chiến tranh từ năm 1963-1975, VCCI góp phần thúc đẩy quan hệ của doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam với quốc tế; tham gia công cuộc đấu tranh pháp lý và chính trị chống bao vây, phong tỏa kinh tế nước ta.

Tới giai đoạn năm 1975-1993, khi thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, VCCI tập trung đóng góp vào việc tạo lập những nền tảng ban đầu của môi trường kinh doanh mới, phát triển cộng đồng doanh nghiệp; tham gia tích cực vào nỗ lực mở cửa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ năm 1993, khi VCCI tách ra thành một tổ chức độc lập với hai chức năng cơ bản là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu cho Nhà nước và xúc tiến thương mại, đầu tư, đánh dấu bước trưởng thành và giai đoạn phát triển vượt bậc mới của VCCI.

Đến nay, VCCI đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các quan điểm, chính sách và nền tảng pháp lý thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc tham gia tích cực vào xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật khác; các nghị quyết Trung ương khóa IX và khóa XII về kinh tế tư nhân nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2025 đã thống nhất quan điểm, định hướng hoạt động của VCCI trong giai đoạn mới phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước; với tầm nhìn “Doanh nghiệp vững mạnh-Quốc gia thịnh vượng”.

Nâng tầm văn hóa doanh nhân

Sau hơn 36 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng (hơn 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh, gần 30 nghìn hợp tác xã, đội ngũ doanh nhân lên tới hàng triệu người) đóng góp to lớn, quan trọng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện, tạo tiềm lực, vị thế mới cho đất nước.

Chúng ta đã có những doanh nhân, doanh nghiệp sánh ngang khu vực và thế giới, có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu. Với những thành tựu đó, đã giúp đưa nền kinh tế Việt Nam hiện đứng trong tốp 40 thế giới về GDP, tốp 20 về quy mô thương mại quốc tế.

Song, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, các doanh nghiệp, doanh nhân cần biết phát huy nguồn lực sức mạnh từ đạo đức, văn hóa kinh doanh.

Đây là nhiệm vụ vừa có ý nghĩa quốc gia, doanh nghiệp, vừa là nhiệm vụ cấp bách, chiến lược lâu dài để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Để thực hiện điều này, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế để nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta. Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị cũng đã nhấn mạnh, “việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân doanh nhân”.

Tuy nhiên, bản thân mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần phải tự nỗ lực để vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh thúc đẩy phát triển số lượng, cần ưu tiên chất lượng, hình thành các doanh nghiệp lớn, trở thành những đơn vị chủ lực trong các lĩnh vực kinh tế then chốt, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển bền vững và có vị thế và uy tín cao trên trường quốc tế.

Bằng những cống hiến, thành tích đã đạt được trong 60 năm qua, VCCI được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng nhất (năm 1998 và 2014); Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2007); Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 2003); Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2008); Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2011, 2019, 2022); Cờ thi đua của Chính phủ (các năm 2013 và 2021); cùng nhiều phần thưởng cao quý khác,...