Libya chìm sâu trong khủng hoảng

Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra ở miền đông Libya đã cướp đi sinh mạng của hơn 11 nghìn người, đẩy hàng chục nghìn người vào cảnh "màn trời chiếu đất". Quốc gia bị chiến tranh tàn phá này rơi vào mâu thuẫn phe phái sâu sắc, khiến công tác phòng ngừa thiên tai yếu kém và việc cứu trợ người bị nạn cũng gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân di dời khỏi khu vực đổ nát do lũ quét, gây ra bởi cơn bão Daniel, ở thành phố miền Đông Derna, Libya ngày 14/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân di dời khỏi khu vực đổ nát do lũ quét, gây ra bởi cơn bão Daniel, ở thành phố miền Đông Derna, Libya ngày 14/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lũ quét xảy ra khi Libya hứng chịu cơn bão mạnh Daniel hôm 10/9. Nước dâng nhanh làm vỡ hai con đập đầu nguồn ở thành phố duyên hải Derna, miền đông Libya có 100.000 dân và cuốn trôi các khu dân cư ra Địa Trung Hải. Theo báo cáo của Chính phủ Libya dựa trên hình ảnh vệ tinh, lũ quét tràn vào Derna đã phá hủy hoàn toàn 891 tòa nhà, làm hư hại hơn 600 tòa nhà.

Khoảng 30.000 người trong số các nạn nhân hiện lâm vào cảnh vô gia cư. Họ rất cần nước sạch, lương thực và các nhu yếu phẩm cơ bản trong bối cảnh nguy cơ mắc bệnh tả, tiêu chảy, mất nước và suy dinh dưỡng ngày một gia tăng. Đáng chú ý, trong số nạn nhân của thảm họa thiên tai có nhiều người di cư, chủ yếu tới từ Cộng hòa Chad, Ai Cập và Sudan. Libya trở thành "bến chờ" của nhiều người di cư tìm đường đến châu Âu. Hàng nghìn người từ châu Phi và Trung Đông đang sinh sống tạm bợ ở Libya, tìm cách thực hiện chuyến vượt biển đầy nguy hiểm, qua Địa Trung Hải để vào châu Âu.

Những ngày qua, các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc đã cử các nhóm hỗ trợ tới Derna và các khu vực lân cận. Các quốc gia trong khu vực cũng đã thiết lập cầu hàng không, điều máy bay chở đội tìm kiếm cứu hộ, cùng thực phẩm, lều bạt và các vật tư y tế tới Libya. Tuy nhiên, công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn, do cơ sở hạ tầng đã bị tàn phá do xung đột. Các đường dây điện thoại và internet tại Derna bị ngắt kết nối.

Công ty viễn thông quốc gia LPTIC cho biết, tình trạng gián đoạn liên lạc cũng xảy ra tại các khu vực khác ở miền đông Libya và đây có thể là do hành động cố ý phá hoại. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), hàng nghìn người có thể đã được cứu nếu hệ thống cảnh báo sớm và ứng phó khẩn cấp hoạt động hiệu quả.

Cuộc xung đột kéo dài giữa các bên đối địch ở miền đông và tây Libya đã hủy hoại mạng lưới quan trắc thời tiết và hệ thống công nghệ thông tin. Đó là lý do hệ thống cảnh báo sớm không hoạt động đúng cách khi lũ quét ập đến, người dân đã không nhận được bất kỳ chỉ dẫn sơ tán nào. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu và thiếu năng lực ứng phó khẩn cấp trước thảm họa là nguyên nhân chính khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của Libya.

Thời điểm này điều cấp thiết là sự thống nhất và phối hợp để nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại Libya.

Theo Liên hợp quốc

Các cơ quan Liên hợp quốc cảnh báo, thành phố đang đứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh và điều này có thể gây ra cuộc khủng hoảng thảm khốc thứ hai. Người dân ở đây đối mặt nguy cơ dịch bệnh, trong khi vẫn phải cảnh giác mối nguy từ bom mìn và vật liệu nổ trôi theo dòng nước lũ. Liên hợp quốc đã kêu gọi viện trợ hơn 71 triệu USD cho hoạt động ứng phó khẩn cấp ở Derna và các khu vực ở miền đông Libya.

Theo Liên hợp quốc, thời điểm này điều cấp thiết là sự thống nhất và phối hợp để nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại Libya. Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Libya nhấn mạnh về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng các nguồn lực trong quá trình phục hồi và tái thiết, đồng thời đề xuất thiết lập một cơ chế toàn diện để giám sát các nỗ lực phục hồi tại Libya.

Với Libya, mục tiêu hàng đầu là xây dựng các thể chế thống nhất và hợp pháp để ứng phó hiệu quả với mọi thách thức mà quốc gia Bắc Phi đang phải đối mặt. Cùng với việc khẩn trương giúp Libya khắc phục hậu quả lũ lụt, việc tìm một giải pháp chính trị nhằm đưa quốc gia Bắc Phi ra khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài là vô cùng quan trọng, vì sự ổn định và an ninh của khu vực.