Lên phương án sơ tán hàng nghìn dân tránh bão số 5

NDO -

Trước những diễn biến phức tạp của bão số 5, các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào bờ neo đậu tránh bão số 5.
Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào bờ neo đậu tránh bão số 5.

Hai ngày qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các đài canh tìm kiếm cứu nạn phối hợp với đài canh cộng đồng kết nối, duy trì liên lạc và liên tục cập nhật, thông tin diễn biến bão số 5 cho ngư dân đang hành nghề trên biển biết.

Tại cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh hoạt động trên các ngư trường Hoàng Sa, Đà Nẵng, Quảng Nam và vùng biển Quảng Ngãi chủ động đưa tàu vào bờ tránh trú bão.

Đại úy Nguyễn Văn Khánh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng  Bình Thạnh cho biết, đơn vị cử lực lượng hướng dẫn cho ngư dân đưa 525 tàu thuyền vào bờ neo buộc bảo đảm an toàn. Đồng thời, phối hợp với chủ phương tiện triển khai các phương án bảo vệ số tàu thuyền của ngư dân đang thực hiện cách ly tập trung để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, đến trưa 10/9, tất cả 375 tàu cá/ với 4.164 ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động trên biển đều đã nhận được thông tin, diễn biến cơn bão số 5 để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đối với số tàu thuyền vào bờ tránh trú bão phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của địa phương nơi tránh trú.

Bao_2-1631266463056.jpg
Nông dân Quảng Ngãi khẩn trương thu hoạch lúa hè thu chạy bão.

* Nhiều cơ quan và người dân của tỉnh Quảng Trị đã chằng chống trụ sở làm việc, nhà cửa chủ động ứng phó bão số 5. Tỉnh cũng lên phương án sơ tán hơn 9 nghìn hộ dân trú bão và hơn 14 nghìn hộ dân tránh hoàn lưu sau bão gây lũ lớn.     

Chiều 10/9, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cùng lãnh đạo UBND tỉnh đã đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 5 tại các địa phương ven biển.

Đến chiều 10/9, có 2.295 tàu, thuyền với 6.986 ngư dân đã vào bờ neo đậu an toàn tại các bến, khu neo đậu của tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Còn 17 tàu, thuyền với 177 ngư dân đang hoạt động khu vực gần bờ. Ngoài ra, có 63 tàu, thuyền với 417 ngư dân các tỉnh khác vào các khu neo đậu của Quảng Trị trú tránh bão.

Các địa phương triển khai biện pháp ứng phó bão số 5 -0
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng (phải) kiểm tra công tác phòng, chống bão số 5 tại Cửa Việt.  

Để vừa phòng, chống bão số 5 và bảo đảm phòng, chống Covid-19, tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Ban quản lý Cảng cá và lực lượng chức năng tại các chốt liên ngành tiến hành kiểm tra y tế, xét nghiệm nhanh đối với các thuyền viên trên các tàu ngoại tỉnh theo đúng quy định về công tác phòng, chống dịch.

Hiện, các thuyền viên đều ở trên các tàu, chỉ di chuyển vào các điểm tránh trú bão tập trung khi có lệnh của chính quyền. Tỉnh Quảng Trị dành riêng các địa điểm sơ tán tránh trú bão cho các thuyền viên thuộc các tàu ngoại tỉnh tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên Quảng Trị tại thị trấn Cửa Việt; Trường tiểu học và trung học cơ sở xã Triệu An, huyện Triệu Phong và trụ sở UBND xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh.

Căn cứ vào đặc điểm địa hình, dự báo diễn biến bão số 5 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, tỉnh Quảng Trị đã lên phương án chia thành 5 vùng trọng tâm ứng phó khi bão mạnh đổ bộ (cấp 10-11).

Các địa phương triển khai biện pháp ứng phó bão số 5 -0
 Cán bộ Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng Quảng Trị phòng, chống bão số 5 tại khu di tích đặc biệt quốc gia đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Vùng trực tiếp bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; vùng ngập sâu ở trên các lưu vực sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu, Sê Pôn; vùng lũ quét ở Hướng Hóa, Đakrông, gò đồi ở Cam Lộ; vùng sụt lún, sạt lỡ đất ở Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa; vùng ngập cục bộ ở Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ.

Số lượng người dự kiến cần sơ tán tránh bão là 9.056 hộ với 28.137 nhân khẩu. Trong đó, ưu tiên phương án sơ tán khẩn cấp 1.807 hộ với 6.338 nhân khẩu bị ảnh hưởng của các xã ven biển của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và huyện đảo Cồn Cỏ.  

Hoàn lưu sau bão sẽ có mưa lớn dễ gây ra ngập lũ nên tỉnh Quảng Trị dự kiến cần sơ tán 14.254 hộ với 52.764 nhân khẩu của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, thị xã Quảng Trị, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà, Đakrông, Hướng Hóa đến nơi an toàn.

Nếu bão độ bộ lớn hơn và gây mưa lũ lớn, phương án sơ tán người dân theo các cấp độ lớn hơn đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Thừa Thiên Huế chủ động sơ tán dân, bảo đảm phòng, chống dịch

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến 19 giờ ngày 10/9, tại Thừa Thiên Huế, tất cả khoảng 500 tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đều về nơi trú bão, neo đậu an toàn. 

Trước đó, hơn 1.900 tàu thuyền ở gần bờ, bãi ngang ven biển trong toàn tỉnh đã về bờ trú tránh bão, biển động mạnh.

Trước đó, để ứng phó với bão số 5 trước khi đổ bộ vào đất liền, ngành nông nghiệp và thủy sản tỉnh đã phối hợp các địa phương, ban, ngành tổ chức liên lạc, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú bão. Tại các địa phương vùng biển và đầm phá trong tỉnh, công tác chuẩn bị ứng phó bão số 5 đã sẵn sàng. Chính quyền địa phương đã lên phương án cụ thể sơ tán dân từng khu vực vừa bảo đảm phòng, chống thiên tai và an toàn chống dịch.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 5, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng nhân dân, ngay trong chiều 1/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành công điện chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo đó, yêu cầu các địa phương, cơ quan, ban, ngành, tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó đối với từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là khi mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của đơn vị, địa phương mình theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; đồng thời, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ lưu các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ xảy ra sự cố để chủ động xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa bão theo quy định, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và nhân lực để chủ động ứng phó, tránh xảy ra sự cố mất an toàn.