Lễ hội Trái cây lần thứ nhất: Đất lành sinh trái ngọt

NDO -

NDĐT – Hàng nghìn người dân và du khách khắp nơi đổ về huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Hòa dự Lễ hội Trái cây lần thứ nhất, trong hai ngày 17 và 18-8. Từ lễ hội này, thương hiệu trái cây Khánh Sơn được quảng bá, truyền xa.

Gian hàng trái cây của xã Thành Sơn, xã xa nhất huyện Khánh Sơn.
Gian hàng trái cây của xã Thành Sơn, xã xa nhất huyện Khánh Sơn.

Huyện miền núi Khánh Sơn cách thành phố Nha Trang chừng 100 cây số. Sáng 17-8, ngày đầu tiên của lễ hội trái cây, cả thị trấn Tô Hạp chật cứng các phương tiện đến từ mọi miền đất nước. Huyện Khánh Sơn đã cắt cử, phân công chu đáo trong việc hướng dẫn, bảo đảm an ninh, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

Trong khuôn viên lễ hội, hàng nghìn du khách và người dân chen chân ngắm nghía, mua sắm. Nhiều người mổ sầu riêng, dùng thử ngay tại quầy. Bà Lê Thị Nghi, đến từ huyện Cam Lâm, Khánh Hòa, chia sẻ: “Tôi đã từng nghe nói nhiều về sản phẩm trái cây của Khánh Sơn. Đây là lần đầu tiên tôi lên đây. Sầu riêng ở đây quá ngon. Tôi sẽ mua thật nhiều về làm quà”. Quả thật, ấy không chỉ là suy nghĩ của bà Nghi, chúng tôi thấy người người tay xách nách mang, đủ cả, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt chuối, bơ, hồ tiêu... Những chuyến xe trở về từ Khánh Sơn đầy ắp trái cây, tươi rói.

Đêm Khánh Sơn huyền hoặc trong ánh trăng. Tôi ngồi nghe thanh âm của mã la trong lễ hội ăn mừng lúa mới, nghe những khúc hát sử thi Akhà Juca của đồng bào Raglai và nghe rộn ràng câu chuyện cây trái Khánh Sơn. Nguyên Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Ngô Hữu Giác là người rất tâm đắc với cây sầu riêng ở đây. Ông kể "Là huyện miền núi, nhưng trồng cây gì là một bài toán khó, chúng tôi cứ tìm tòi mãi. Rồi cũng tìm ra được cây sầu riêng. Ðây là cây trồng mở ra hướng mới cho người dân Khánh Sơn phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo... Năm 1999 trồng thử, đến năm 2006, huyện Khánh Sơn quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006 - 2010, nhằm mục đích đưa cây sầu riêng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Đến nay, toàn huyện đã có 962 ha sầu riêng, sản lượng hàng năm khoảng 3.200 tấn. Sầu riêng Khánh Sơn quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép đã được Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Sầu riêng Khánh Sơn"".

Lễ hội Trái cây lần thứ nhất: Đất lành sinh trái ngọt ảnh 1

Khách dùng thử sầu riêng tại quầy.

Tại lễ hội, trong câu chuyện cùng anh em cán bộ địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân bày tỏ mong muốn Khánh Sơn tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch; xác định nông nghiệp là trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ông cũng lưu ý địa phương thực hiện tốt quy hoạch, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương; tăng cường giao thương, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Nguyễn Văn Nhuận, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, cho biết: Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ I năm 2019 là một sự kiện văn hóa, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2019. Qua sự kiện này các sản phẩm nông nghiệp của huyện sẽ được giới thiệu và quảng bá mạnh mẽ đến người dân trong và ngoài tỉnh. Mặc khác, sự kiện này còn giúp nhân dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiếp cận thông tin, tiếp cận công nghệ mới... Trong quá trình tổ chức, huyện đã lưu ý các gian hàng tham gia lễ hội phải bán sản phẩm đúng giá niêm yết; không được bán giá cao hơn; các đơn vị, địa phương phải nhiệt tình, chu đáo khi đón tiếp người dân, du khách về tham quan, dự lễ hội.

Mía tím cũng là một đặc sản của Khánh Sơn. Thân mía mềm, mọng nước và thơm, ngọt. Thấy tôi mang mấy ngọn mía tím Khánh Sơn ra xe, anh Nguyễn Quốc Thịnh, trước là Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn nay chuyển về công tác ở HĐND tỉnh Khánh Hòa, bảo: "Mang về đồng bằng không trồng được đâu. Không phải mía không phát triển, nhưng, cũng giống ấy, trồng ở Khánh Sơn ngon là vậy, đem về trồng ở đồng bằng mía rất cứng, lại không ngon!" Sầu riêng Khánh Sơn. Mía tím Khánh Sơn. Chỉ có ở Khánh Sơn mới ngọt, mới ngon. Phải chăng, do đất lành?