Lễ hội kỷ niệm 1.480 năm ngày Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế

1.480 năm trước đây, Lý Bí đã lên ngôi Hoàng đế, trở thành người đầu tiên trong lịch sử nước ta xưng đế. Nước Vạn Xuân do ông thành lập chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng sự ra đời của nhà nước đã thể hiện ý chí quật cường trong đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Ngày 21/2, Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân; khai hội đền Giang Xá xuân Giáp Thìn 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Lý Nam Đế.
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Lý Nam Đế.

Tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường đã thay mặt chính quyền, nhân dân huyện Hoài Đức ôn lại công lao của Vua Lý Nam Đế.

Theo truyền thuyết và sử sách ghi lại, Lý Bí sinh ra ở thôn Cổ Pháp (nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).

Cha mẹ mất sớm, ông được đưa về nuôi dưỡng và tu tập tại chùa Linh Bảo (tức chùa Giang Xá, thuộc mảnh đất Hoài Đức hôm nay).

Lớn lên giữa thời Bắc thuộc, căm ghét chế độ đô hộ nhà Lương, ông đã chiêu mộ quân sĩ ở các châu, huyện lân cận.

Đầu năm 542, tại đất Giang Xá, Lý Bí khao mừng quân sĩ và phát động khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ nhà Lương. Nhân dân và hào mục các châu đua nhau hưởng ứng, thanh thế của nghĩa quân rất hùng mạnh.

Chỉ sau ba tháng khởi sự, cuộc khởi nghĩa đã xóa bỏ chính quyền đô hộ của nhà Lương ở Giao Châu.

Tiếp đó, Lý Bí cùng đại quân của mình tiếp tục tổ chức kháng chiến chống lại hai đợt tấn công của nhà Lương ở phía bắc và cuộc xâm lấn của Lâm Ấp ở phía nam.

Tháng Giêng năm Giáp Tý (năm 544), Lý Bí lên ngôi Hoàng đế xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân. Mặc dù nước Vạn Xuân chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng sự ra đời của nước Vạn Xuân thể hiện ý chí độc lập, bản lĩnh quật cường của dân tộc ta. Lý Bí trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam.

Lễ hội kỷ niệm 1.480 năm ngày Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế ảnh 1

Biểu diễn múa rồng trong Lễ kỷ niệm.

Sau khi ông mất, đền Giang Xá trở thành một trong nhiều địa điểm thờ phụng Lý Nam Đế.

Lễ hội Giang Xá được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 1.480 Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nhà nước Vạn Xuân. Tại lễ khai hội đình Giang Xá, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Lý Nam Đế.

Ngoài hoạt động lễ, trong dịp này đền Giang Xá còn có các hoạt động văn hóa văn nghệ; trò chơi dân gian như: Cờ người, Tổ tôm điếm, chọi gà...; trưng bày ảnh, tư liệu về di sản; tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Hoài Đức… nhằm phục vụ nhân dân và du khách địa phương đến du xuân, trẩy hội.

Phát huy truyền thống khi xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức đang phấn đấu xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Đến nay, huyện đã có 16/19 xã đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Trong công tác đầu tư, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí trong đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận, đến nay đã đạt 28/31 tiêu chí.

Diện mạo, cảnh quan đô thị, các khu dân cư có nhiều thay đổi rõ nét; an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện ngày càng được được nâng cao.

Lễ hội Giang Xá diễn ra từ ngày 21 đến hết ngày 23-2 (tức ngày 12 đến 14 tháng Giêng Âm lịch).