Lễ cúng Nước Giọt của người Ba Na ở Kon Tum

Người Ba Na là một trong sáu dân tộc bản địa của tỉnh Kon Tum, có hai nhánh chính là Ba Na Rơ Ngao (Ba Na ở thấp) và Ba Na Ji Lâng (Ba Na ở cao). Theo truyền thống, đồng bào ở đây không đào giếng lấy nước, cũng không tùy tiện lấy nước ở sông suối để sinh hoạt.
0:00 / 0:00
0:00
Người Ba Na đánh cồng chiêng, xoang tại Lễ cúng Nước Giọt.
Người Ba Na đánh cồng chiêng, xoang tại Lễ cúng Nước Giọt.

Nước thường được tìm ở những mạch ngầm từ trong núi chảy ra để bảo đảm độ tinh khiết.

Thân cây lồ ô lớn được đục thông các mắt làm đường dẫn mạch nước từ núi về, những điểm lấy nước dân làng gọi là Nước Giọt. Thường vào buổi chiều, người dân buôn làng mang gùi ra Nước Giọt lấy nước. Họ hứng nước vào vỏ quả bầu khô hoặc ống lồ ô gùi mang về.

Nước mang về chỉ dùng để uống và nấu ăn, còn việc tắm giặt thực hiện ngay ở Nước Giọt. Từ xa xưa, Nước Giọt có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Hằng năm, mỗi làng Ba Na đều tổ chức lễ hội để dọn dẹp, sửa sang lại Nước Giọt, tạ ơn những điều tốt đẹp mà Yàng Ia (Thần nước) đã mang đến cho dân làng và cầu mong mùa màng tốt tươi sẽ đến trong năm mới.

Để chuẩn bị cho Lễ cúng Nước Giọt, già làng xác định ngày lành làm lễ và thông báo đến người dân để cùng nhau đóng góp hiện vật, phục vụ cúng lễ. Trong đó, những vật phẩm không thể thiếu cho buổi lễ là lợn, gà, gạo nếp và rượu ghè.

Già làng phân công thanh niên vào rừng lấy cây lồ ô chuẩn bị làm cây nêu để trang trí tại bến nước. Người Ba Na quan niệm rằng, cây nêu là nơi thần linh trú ngụ và là vật tượng trưng cho sự đoàn kết của cả cộng đồng. Cây nêu được trang trí càng rực rỡ, lộng lẫy thì mùa màng sẽ càng thuận lợi, tươi tốt. Do đó, cây nêu được chọn phải thật hoàn hảo, không được mất ngọn.

Trong quá trình làm, người dân không được nhúng cây nêu vào nước, không được bước qua cây nêu. Những trai tráng khỏe mạnh khác sẽ được già làng phân công đi phát quang cỏ dại và dọn dẹp sạch sẽ đoạn đường dẫn vào điểm lấy nước. Phụ nữ dọn dẹp, trang trí lại nhà rông và chuẩn bị sẵn thức ăn, rượu ghè, gùi để đựng nước.

Khi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, già làng mặc bộ quần áo thổ cẩm, đứng trước Nước Giọt và bắt đầu thực hiện nghi lễ mời thần linh về chứng giám, dự lễ cùng dân làng. Sau phần lễ cúng của già làng, âm thanh cồng chiêng nổi lên rộn rã, vòng xoang dịch chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ đúng ba vòng.

Khi nghi thức mời Yàng Ia về dự lễ đã xong, già làng dùng gùi để hứng nước. Sau khi chiếc gùi đã đầy nước, người dân sẽ dùng số nước đó châm vào ghè rượu và già làng là người đầu tiên được thưởng thức rượu ghè từ những giọt nước tinh khiết, rồi mọi người chuyền tay nhau cùng uống.

Tiếp đó, người dân trong làng sẽ cùng nhau hứng nước mang về nhà sử dụng, chuẩn bị cho mùa lễ hội sắp tới tại nhà rông. Sau phần lễ tại Nước Giọt là phần hội ở nhà rông. Già làng cùng đội cồng chiêng, xoang đi quanh nhà rông để cảm ơn thần linh đã phù hộ cho dân làng có được một vụ mùa bội thu.

Dân làng tập trung quanh nhà rông, bày ra đủ món ăn như măng xào, thịt nướng, lá mì xào… và đặc biệt không thể thiếu rượu ghè. Trong niềm hân hoan, mọi người cùng nhau thưởng thức những ghè rượu, ca hát và tâm tình với nhau. Từ người già đến trẻ nhỏ đều hòa mình vào những điệu múa xoang, cùng với nhịp cồng chiêng vang lên giữa núi đồi tạo nên bầu không khí lễ hội tưng bừng, mang đậm bản sắc của người Ba Na.