Việc lấy ý kiến được thực hiện trên địa bàn các xã (không lấy ý kiến đối với các hộ gia đình thuộc khu vực thị trấn).
Có hai hình thức lấy ý kiến: Các hộ gia đình ghi phiếu trả lời các câu hỏi và tổ chức cuộc họp khu dân cư, phát phiếu và xin ý kiến đại diện các hộ gia đình. Nội dung lấy ý kiến được thực hiện với 9 câu hỏi.
Theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến nay, Hà Nội có 8/8 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành.
Phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2024
Trong đó có những chỉ tiêu liên quan đến hạ tầng và thủ tục hành chính như: Đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu 4m2/người (thực tế đạt 7,61m2/người); có 195/269 tuyến đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường (thực tế đạt 72,4%, yêu cầu đạt tối thiểu 70%); Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý (chỉ số SIPAS) đạt từ 80% trở lên…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, đến thời điểm này, thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 4 huyện, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn đấu trong tháng 7/2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.
Các huyện Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín đã được Đoàn thẩm tra đánh giá đủ điều kiện huyện nông thôn mới nâng cao, hiện nay đang phối hợp sở, ngành thành phố hoàn thiện báo cáo thẩm tra, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố để lấy ý kiến hài lòng của người dân.
382/382 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 186 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương yêu cầu, cần phân công rõ công việc, các nhóm công tác cần chuẩn bị tốt, hướng dẫn đầy đủ, bảo đảm kế hoạch, quy trình, yêu cầu. Đặt người dân là trung tâm, người dân phải được thụ hưởng những giá trị của thành tựu nông thôn mới. Do đó không để xảy ra tình trạng nợ tiêu chí, do đó việc lấy ý kiến phải được thực hiện thực chất, tránh hình thức.
Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về đề nghị công nhận thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sẽ được thực hiện xong trước ngày 25/7/2024.