Quyết định được ban hành căn cứ Công văn số 970/TTg-KGVX ngày 18/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống dịch Covid-19. Tổ trưởng tổ công tác là ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội.
Các thành viên khác của tổ công tác có đại diện của Văn phòng Bộ, Cục Bảo trợ xã hội; Phòng Tổng hợp; đại diện Văn phòng Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà khách Người có công; Cục Việc làm; Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Cục An toàn lao động, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật.
Tổ công tác trực tiếp phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía nam, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và những vấn đề liên quan.
Tổ công tác trú đóng tại đại diện Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hằng ngày, tổ công tác báo cáo Bộ trưởng, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và kịp thời đề xuất, kiến nghị đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định 23/QĐ-TTg. Theo đó, phải lấy an toàn cho người dân là trước hết, không được để ai bị đói, bị thiếu cơm, thiếu mặc. Tinh thần là bảo đảm cuộc sống, nhất là quan tâm người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương phải chủ động trong triển khai Nghị quyết 68. Với chính sách thứ 12 hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.