Lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh xe buýt

Thời gian qua, tình trạng xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, chèn ép các xe nhỏ hơn và người đi đường, gây tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, gây bức xúc và bất an cho người tham gia giao thông. Vì vậy, các đơn vị quản lý kinh doanh loại hình này cần nâng cao chất lượng phương tiện, tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe và nhân viên phục vụ, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT)...

Xe buýt tuyến 34 dừng đón, trả khách trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Xe buýt tuyến 34 dừng đón, trả khách trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Tai nạn do ý thức kém

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT làm chết người, liên quan xe buýt. Ngày 23-2, trên trục đường Cầu Giấy - Xuân Thủy (Hà Nội), xe buýt tuyến số 32 gây tai nạn, làm chị Nguyễn Thị Thảo, 27 tuổi, trú Đan Phượng (Hà Nội) chết tại chỗ, do bị cuốn vào gầm xe. Chưa đầy một tuần sau, tại cung đường này, anh Nguyễn Văn Hoàn 25 tuổi, điều khiển xe máy BS 30N3-3021 bị xe buýt tuyến số 26 chèn qua người gây tử vong.

Nguyên nhân cả hai vụ tai nạn trên đều được xác định, do đường Cầu Giấy - Xuân Thủy đang bị rào chắn một phần mặt đường để thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, nên các phương tiện lưu thông rất khó khăn. Vào các giờ cao điểm, lượng phương tiện giao thông đông, trong khi xe buýt cỡ lớn thường lấn làn, cố phóng nhanh cho kịp giờ, kịp tuyến, khiến các phương tiện khác như xe máy phải dạt lên vỉa hè để đi. Chỉ cần loạng choạng tay lái, những vụ tai nạn đáng tiếc như trên rất có thể xảy ra.

Anh Lê Hữu T., một lái xe buýt của Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết, tình trạng xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép xe khác nhiều khi xuất phát từ chính những quy định quá “gắt” của công ty. Một trong những nguyên tắc bắt buộc lái xe phải tuân thủ là xuất phát đúng giờ và về bến đúng thời gian quy định. Điều này khiến nhiều lái xe phải chạy đua với thời gian để bù vào những đoạn đường đông người, không bảo đảm tốc độ. Mặt khác, một ca trung bình lái xe phải chạy từ tám đến chín giờ đồng hồ, chưa kể những hôm tăng chuyến. Như vậy, mỗi ngày lái xe buýt phải lái từ sáu đến tám lượt, giữa mỗi lượt chỉ được nghỉ 5-10 phút. Nghỉ lượt nào mất tiền lượt đó, nên lái xe phải cật lực, tranh thủ từng phút để hoàn thành đủ số lượt quy định.

Với công suất vận chuyển lớn và tiện lợi, xe buýt hiện được coi là phương tiện giao thông công cộng hữu hiệu, ngày càng phát triển rộng rãi, góp phần không nhỏ trong việc giảm phương tiện giao thông cá nhân. Nhưng trong rất nhiều tình huống, xe buýt chính là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Buổi sáng, đường phố kẹt cứng với hàng chục xe buýt kềnh càng, nghênh ngang nối đuôi nhau. Chưa kể tình trạng các xe buýt, vì muốn nhanh vài giây mà cố tình tranh giành vào bến đón trả khách. Ngày 14-3 vừa qua, hai xe buýt tuyến 24 và 28 đang lưu thông cùng chiều trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), bất ngờ tông vào nhau, do xe buýt tuyến 28 đang trả khách chuẩn bị đi, ngay lúc đó, xe buýt 24 rẽ vào và có ý định dừng trả khách trước đầu xe 28. Cú đâm mạnh làm phần đuôi xe buýt số 28 méo mó, kính xe vỡ vụn rải khắp đường, khiến hàng chục hành khách trên xe buýt hoảng loạn la hét, rất may không có ai bị thương.

Nâng cao đạo đức và tay nghề lái xe

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, trước những bất cập còn tồn tại đối với loại hình vận tải công cộng này, để xe buýt không còn chịu tiếng là “hung thần” đường phố, trách nhiệm trước hết thuộc về các đơn vị kinh doanh. Cần điều hành, bố trí thời gian hợp lý, không tạo áp lực cho đội ngũ lái xe. Đồng thời, phải nhanh chóng nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ trên xe buýt; thường xuyên kiểm tra chất lượng trang thiết bị trên xe, như thiết bị giám sát hành trình, đèn, còi, tình trạng kỹ thuật của xe hằng ngày trước khi hoạt động. Cùng với đó, các tài xế lái xe buýt cũng như phụ xe cần nâng cao hơn ý thức, đạo đức, cũng như văn hóa ứng xử lành mạnh khi tham gia giao thông. Chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT.

Vì vậy, để xe buýt trở thành loại hình vận tải công cộng thật sự tiện lợi, văn minh, không còn là nỗi lo sợ với người tham gia giao thông, các đơn vị kinh doanh xe buýt phải thường xuyên chấn chỉnh thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, phụ xe. Cần kiên quyết loại khỏi doanh nghiệp những nhân viên không đủ điều kiện về tay nghề, sức khỏe, xuống cấp về đạo đức. Đặc biệt, yêu cầu các lái xe cam kết không vi phạm các quy định về hoạt động xe buýt, đón trả khách đúng nơi quy định, điều khiển xe chạy đúng hành trình, làn đường; quy định rõ các hình thức xử phạt đối với lái xe khi vi phạm trật tự ATGT, nâng cao tính răn đe. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các phương tiện xe buýt, bảo đảm duy trì các tiêu chí về phương tiện, như tốt, sạch, đầy đủ thông tin khi đưa ra tuyến.

Cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các đơn vị quản lý kinh doanh vận tải, các cơ quan chức năng cần chỉ đạo các lực lượng, như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nâng cao trách nhiệm trong việc phân công cán bộ, thường xuyên kiểm soát, theo dõi hoạt động của các tuyến xe buýt thông qua thiết bị giám sát hành trình. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan xe buýt. Hơn hết, các phương tiện thông tin đại chúng và người tham gia giao thông cần lên án, tẩy chay và kịp thời thông báo với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các vi phạm của những tài xế xe buýt, nhân viên phụ xe, nhằm từng bước đưa hoạt động kinh doanh xe buýt đi vào trật tự, văn minh, thân thiện.