Lập lại trật tự, minh bạch thu phí vỉa hè

Sau nhiều lần đưa ra lấy ý kiến của các đơn vị, các ngành, các thành phần trong xã hội, Quyết định 32/2023/QÐ-UBND (Quyết định 32) về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chính thức ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/9 tới. Quyết định này thay thế Quyết định 74/2008/QÐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố.
0:00 / 0:00
0:00
Vỉa hè trên đường Ðặng Thái Thân, Phường 11, Quận 5 bị chiếm dụng làm nơi để xe, buôn bán. (Ảnh ANH THẾ)
Vỉa hè trên đường Ðặng Thái Thân, Phường 11, Quận 5 bị chiếm dụng làm nơi để xe, buôn bán. (Ảnh ANH THẾ)

Cùng với quyết định mới được áp dụng, mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đang được Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, sớm thông qua trước khi Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố đi vào thực thi.

Quyết định 32 quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải bảo đảm không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5 m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức. Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5 m. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường ngoài mục đích giao thông (không áp dụng trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị) phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu hai làn ô-tô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định… Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải nộp phí theo quy định.

Theo tính toán của Sở Giao thông vận tải thành phố, đơn vị xây dựng đề án thu phí, thành phố có hơn 600 tuyến đường rộng hơn 9 m, nếu cho thuê để trông giữ xe sẽ thu được 550 tỷ đồng mỗi năm. Ðồng thời, 1.143 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên cho thuê để kinh doanh sẽ thu được hơn 971 tỷ đồng mỗi năm. Hơn 1.500 tỷ đồng thu được từ cho thuê vỉa hè sẽ được nộp vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố…

Tuy nhiên quan điểm chung đều cho rằng, việc thu phí không nên tập trung quá vào lợi nhuận, mang lại nguồn thu cho ngân sách mà mục đích chính là lập lại trật tự đô thị, chấn chỉnh tình trạng bát nháo, chiếm dụng vỉa hè tồn tại lâu nay, từ đó sắp xếp, quản lý một cách đồng bộ, thực chất, quy củ.

Theo số liệu khảo sát từ Ðề tài nghiên cứu về quản lý, sử dụng hè phố trên địa bàn thành phố do Viện Nghiên cứu phát triển thực hiện, hè phố được người dân, tổ chức sử dụng vì nhiều mục đích. Trong đó, 92% số cửa hàng sử dụng hè phố làm chỗ để xe máy cho khách hàng. Phần lớn cửa hàng sử dụng hè phố với tỷ lệ trung bình các buổi trong tuần khoảng 63%, chiều rộng hè phố từ 1 m - 1,5 m chiếm khoảng 24%. Ðáng quan tâm, phạm vi sử dụng của các cửa hàng có xu hướng tăng theo chiều rộng hè phố.

Những con số qua khảo sát cho thấy, vỉa hè “gắn bó” mật thiết với hoạt động kinh doanh, buôn bán, các dịch vụ đi kèm (để xe, trông giữ xe). Ðiều này thể hiện rõ trên thực tế, rất nhiều tuyến đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố bị chiếm dụng công khai, biến thành quán ăn, quán nhậu, bãi giữ xe… đã làm mất không gian sử dụng chung, nhất là không còn lối đi cho người đi bộ cho nên đã “đẩy” họ phải đi dưới lòng đường dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông.

Như vậy, việc lập lại trật tự vỉa hè thông qua những quy định quản lý, chế tài, thu phí rất cần thiết, để làm sao vừa nhìn nhận đúng giá trị của vỉa hè mà không “bỏ qua” mục đích sử dụng của vỉa hè. Trong đó, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền. Thành phố cần ứng dụng công nghệ vào công tác thu phí để rà soát, cập nhật vị trí thu phí, qua đó minh bạch và phân chia rõ ràng nhiệm vụ cho từng đơn vị; có thể chọn khu vực để làm thí điểm trước khi triển khai thực hiện đồng loạt; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh hiện tượng “bảo kê”, xác định “lãnh địa” khi sử dụng vỉa hè, lòng đường…

Việc thu phí sử dụng nếu được triển khai kỹ lưỡng, có quy hoạch rõ ràng, công khai, minh bạch sẽ bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.