Trước mắt, lực lượng chức năng sẽ thí điểm lắp đặt tại hai điểm đầu-cuối của toàn tuyến là ga Cát Linh, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa và ga Yên Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.
Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, trước khi tiến hành lắp đặt, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng đi lại của người dân trên toàn tuyến đường sắt trên cao để yêu cầu các đơn vị tập trung bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống dịch vào 3 điểm ga lớn ở đầu, giữa và cuối chặng là ga Cát Linh, Phùng Khoang, Yên Nghĩa.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, từ thực tế triển khai lắp đặt các máy quét QR tại trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông và các đội địa bàn, 5 điểm đăng ký xe… tạo hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch, Phòng Cảnh sát giao thông đã đề xuất Công an thành phố triển khai lắp đặt tại máy quét tại các ga trên toàn tuyến đường sắt trên cao.
Thông qua hệ thống máy quét mã QR, hành khách có thể sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc mã QR ở phần mềm khai báo di chuyển nội địa VNEID để khai báo thông tin với thời gian chỉ vài giây.
Sau khi quét, những thông tin của hành khách đi tàu này được hiển thị trên máy quét với độ chính xác tuyệt đối bởi các dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm, liên quan đến hiện trạng sức khỏe của người dân đã được Bộ Công an tích hợp vào thẻ Căn cước công dân và kho dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cũng trong sáng nay, cán bộ Phòng Cánh sát giao thông phối hợp Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) đã trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng máy quét mã QR.