Tại Hội nghị tham vấn quốc gia về việc tăng cường đánh giá tác động di sản tại Lào vừa diễn ra tại Vientiane (Lào), ông Phakhanxay Sikhanxay, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào cho biết, nhằm giúp cho công tác quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử và thiên nhiên được bảo đảm bền vững và phù hợp với điều kiện phát triển của kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Di sản quốc gia và được chính thức thông qua cuối năm 2021.
Cụ thể, Luật mới này đã đưa ra những quy định mới liên quan đến việc đánh giá tác động đối với di sản văn hóa, lịch sử và thiên nhiên quốc gia. Theo đó, mọi dự án hoặc các hoạt động kinh tế-xã hội như việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng mà dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các di sản văn hóa, lịch sử và thiên nhiên quốc gia đều phải đánh giá tác động đối với di sản đó, đồng thời xây dựng báo cáo và kế hoạch về biện pháp quản lý, theo dõi và kiểm tra.
Cũng theo ông Phakhanxay Sikhanxay, từ năm 1975 đến nay, Đảng và Chính phủ Lào luôn quan tâm và coi trọng công tác quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử và thiên nhiên của quốc gia.
Tính đến năm 1993, Lào đã lên danh sách được 15 di sản quốc gia và đến thời điểm hiện tại đã có 3 di sản văn hóa vật thể thế giới được UNESCO công nhận là: thành phố Luang Prabang (được công nhận năm 1995), Wat Phou thuộc tỉnh Champasak (được công nhận năm 2001) và Cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xieng Khouang (được công nhận năm 2019).
Ngoài ra, Lào đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị và được UNESCO công nhận “Tiếng Khèn Lào” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2017.
Lào cũng đang hoàn thiện và dự kiến sẽ chính thức nộp hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Vườn quốc gia Hin Namno là di sản thiên nhiên xuyên quốc gia vào tháng 2/2023.