Hoạt động ổn định trở lại
Dù gặp không ít khó khăn do mưa lũ, nhưng đến thời điểm này, các làng nghề đã cơ bản khôi phục, đi vào sản xuất ổn định. Làng nghề thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) có gần 200 cơ sở sản xuất mì gạo. Đợt mưa lũ vừa qua, nước sông Lục Nam dâng nhanh khiến cho phần lớn cơ sở sản xuất bị thiệt hại về máy móc, thiết bị, nguyên liệu, chất đốt, thiếu nguồn nước sạch… Sản xuất bị gián đoạn dẫn đến nhiều đơn hàng bị chậm, muộn, ước tính làng nghề thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi lũ rút, các hộ gia đình, hợp tác xã (HTX) đã nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh cơ sở vật chất, sửa chữa máy móc, thiết bị và đầu tư vốn nhập nguyên liệu để khôi phục hoạt động. Những ngày này, trở lại làng nghề Thủ Dương, dễ dàng nhận thấy những mẻ mì đã phủ kín các dàn phơi, báo hiệu hoạt động sản xuất của bà con đã tấp nập trở lại.
Đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều máy móc, thiết bị và gạo làm mì của hộ ông Nguyễn Văn Xuân bị ngập nước. Tuy nhiên, gia đình ông đã sớm bắt tay vào việc vệ sinh môi trường, bố trí sắp xếp lại thiết bị, sửa chữa, thay thế một số máy móc để tái sản xuất.
"Thời tiết đang bước vào những ngày nắng hanh, rất thuận lợi cho việc làm mì. Chúng tôi tranh thủ điều kiện này để làm hết công suất nhằm bù đắp phần nào cho thiệt hại trước đây, nhất là đáp ứng đủ nguồn hàng cho dịp cuối năm", ông Xuân chia sẻ.
Tương tự, đối với HTX sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ mì gạo Chũ Hiền Phước, do chỉ bị ảnh hưởng nhẹ nên sau khi lũ rút, cơ sở này đã bắt tay ngay vào sản xuất. Theo đại diện HTX, một trong những yếu tố khiến đơn vị vẫn duy trì sản xuất đều dù thời tiết bất lợi là do toàn bộ quy trình làm mì được thực hiện trong dây chuyền khép kín, hệ thống máy tráng, sấy mì bằng lò hơi và điện nên không bị ảnh hưởng khi trời mưa; chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng các điều kiện để xuất khẩu.
Theo thống kê, hiện mỗi tháng HTX sản xuất khoảng 60 tấn mì cung ứng vào thị trường Nga và các chuỗi siêu thị, cửa hàng, nhà phân phối trong nước. Sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đơn vị cũng đã nhập đủ nguyên liệu, nhiên liệu cũng như nhân lực, nguồn vốn và ký kết các đơn hàng để tăng cường sản xuất phục vụ thị trường dịp trước, trong và sau Tết.
Xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) có khoảng 700 hộ tham gia sản xuất các mặt hàng truyền thống như: Bánh đa, bánh đa nem, bánh đa cua, mì gạo, rượu... Mưa lũ đã khiến nhiều tài sản, máy móc, thiết bị làm nghề của người dân bị hư hỏng, cuốn trôi. Tuy nhiên, sau khi lũ rút vài ngày, các hộ đã mua sắm, thay thế dụng cụ và nhập đủ nguyên liệu để bước vào sản xuất.
Có mặt tại làng Thổ Hà những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động làng nghề đã nhộn nhịp trở lại. Nhiều thương nhân đưa xe về nhập hàng mang đi tiêu thụ. Theo đại diện lãnh đạo xã Vân Hà, chính quyền cơ sở đã rà soát, thống kê thiệt hại của người dân, đồng thời đề xuất cấp trên quan tâm hỗ trợ đối với người dân, nhất là việc giãn nợ, giảm nợ và tiếp tục có chính sách ưu đãi để bà con vay vốn tái đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng hàng hóa
Thời điểm này được coi là vụ sản xuất quan trọng trong năm đối với các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Kinh nghiệm của các hộ dân làng nghề cho thấy, thông thường cứ từ tháng 11 hằng năm, lượng đơn đặt hàng sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, không giống như những sản phẩm khác, việc sản xuất các mặt hàng thực phẩm như mì, miến, bún, bánh… phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết nên tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con đã tăng đáng kể lượng sản phẩm làm ra.
Những năm qua, ngành chức năng và các địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất các sản phẩm làng nghề với mục tiêu đa dạng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Mặc dù đã sản xuất trở lại, nhưng các làng nghề vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, bên cạnh những thiệt hại do bão lũ gây ra, hiện nay chi phí đầu vào cho sản xuất, nhất là giá gạo nguyên liệu đã tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân.
Theo thống kê, tỉnh Bắc Giang hiện có 27 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận (12 làng nghề truyền thống và 15 làng nghề), trong đó có 8 làng nghề hoạt động trong nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Nhiều làng nghề đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý như: Sản phẩm mì gạo làng nghề Thủ Dương, rượu làng Vân, bánh đa nem Thổ Hà, bánh đa Kế (thành phố Bắc Giang), mì gạo Châu Sơn, xã Ngọc Châu (Tân Yên)...
Trong đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề ngày càng được mở rộng, thậm chí nhiều mặt hàng đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Anh, Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc...
Nhiều hộ sản xuất, HTX đã đầu tư nâng cấp dây chuyền, máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ một số khâu sản xuất (máy tráng, thái mì, lò sấy trong sản xuất mì gạo, bún). Ngoài các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, các làng nghề sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mộc… cũng tất bật vào vụ với nhiều kỳ vọng vào vụ cuối năm.
Theo tìm hiểu được biết, trong giai đoạn này, đa số các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề có nguyện vọng được Nhà nước tiếp tục quan tâm về chính sách cho vay vốn để sửa chữa máy móc, dây chuyền và tái đầu tư mở rộng sản xuất, nhất là trong dịp từ nay đến cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm được dự báo sẽ tăng cao.