Thái Nguyên tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm

Do đặc điểm về địa lý, văn hóa, xã hội, tập quán sinh hoạt của người dân, một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, chân tay miệng, rubella…, nhất là bệnh dại, liên cầu khuẩn vẫn đang lưu hành. Thời gian vừa qua, hệ thống y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm, không để bùng phát thành dịch; tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Trạm Y tế xã Phú Lạc, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) tuyên truyền phòng bệnh truyền nhiễm cho người dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Phú Lạc, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) tuyên truyền phòng bệnh truyền nhiễm cho người dân.

Tháng 8 vừa qua, sau khi ăn tiết canh lợn hấp vào buổi tối, đến 2 giờ sáng thì ông N.V.H. 50 tuổi, ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên) bắt đầu có các triệu chứng sốt cao, nôn, đi ngoài nhiều lần, người mệt lả, khó thở nên người nhà đưa đi bệnh viện cấp cứu. Khi chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ông H. được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn dẫn đến suy đa tạng, rối loạn đông máu, nổi ban tím toàn thân, khó thở, tiếp xúc chậm. Dù đã được điều trị tích cực như an thần, thở máy, vận mạch liều cao, kháng sinh phối hợp, truyền máu và lọc máu liên tục, nhưng bệnh diễn biến nặng và ông H. đã không qua khỏi.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, năm 2023, trên địa bàn có 10 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn; từ đầu năm 2024 đến nay có ba trường hợp nhiễm loại bệnh này. Trong 10 năm trở lại đây, năm nào trên địa bàn cũng có người tử vong do bệnh dại.

Theo ước tính, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 250.000-270.000 con chó, nhưng tỷ lệ tiêm phòng dại chưa cao. Điển hình, huyện Phú Bình hiện có khoảng 47.000 con chó, nhưng tiêm phòng dại mới chỉ đáp ứng tỷ lệ đề ra theo yêu cầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó đạt chưa cao.

Thông thường, khi cán bộ thú y, cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố đi thống kê để cơ quan chức năng có cơ sở mua sắm vắc-xin, lập kế hoạch tiêm phòng thì nhiều gia đình nghĩ ngay đến là tiêm phòng dại nên thường khai giảm số lượng chó của gia đình. Khi địa phương tổ chức tiêm phòng dại tập trung thì nhiều gia đình không bắt được chó để mang đi tiêm; phát vắc-xin để người dân tự tiêm thì nhiều gia đình không tiêm nên tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng không đạt như kỳ vọng…

Ngoài ra, với tập quán thả rông chó, tiêm phòng không đầy đủ, đúng định kỳ nên bệnh dại đang lưu hành trên đàn chó, nguy cơ lây truyền bệnh dại sang người rất cao. Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh Thái Nguyên Hoàng Anh cho biết: "Từ đầu năm 2024 đến nay, trung bình mỗi tháng, trên địa bàn tỉnh có từ 800-1.000 người đến các cơ sở y tế để khám, tiêm phòng bệnh dại, tăng so với những năm gần đây.

Tính đến cuối tháng 8, Trung tâm Y tế huyện Phú Bình đã tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho 595 người do bị chó cắn, tăng 12,4% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là nuôi chó thả rông, không rọ mõm, chủ quan nên để chó cắn, hoặc làm thịt chó không an toàn.

Trong khi đó, bệnh liên cầu khuẩn cũng đang lưu hành trên đàn lợn, dê và động vật có vú trên địa bàn. Không những vậy, thói quen ăn tiết canh, thịt sống ướp, bóp chua, nhất là quan niệm ăn tiết canh vào ngày mồng một, hôm rằm còn đang tồn tại trong một bộ phận người dân dẫn đến năm nào cũng có người mắc liên cầu khuẩn, phải điều trị tốn kém, để lại di chứng lâu dài cho sức khỏe, gánh nặng cho kinh tế gia đình, thậm chí tử vong.

Trước tình trạng nhiều bệnh truyền nhiễm lưu hành, diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo, người dân có ý thức tiêm phòng dại cho chó, mèo; tăng cường đề phòng để không bị chó, mèo cắn; khi đã bị cắn thì cần đến cơ sở y tế một cách sớm nhất để được khám, tư vấn, chỉ định điều trị kịp thời; không ăn tiết canh, thực phẩm chưa được nấu chín…

Theo Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh Thái Nguyên Hoàng Anh, thời gian tới đây, hệ thống y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên tập trung giám sát, xử lý kịp thời các tình huống, không để các bệnh truyền nhiễm bùng phát thành dịch; đồng thời, tăng cường truyền thông, nhất là truyền thông trực tiếp hướng đích đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số tiêm phòng đầy đủ cho con em mình, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, thực hiện nếp sống văn minh, môi trường sạch sẽ để phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.