Tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ Nguyễn Minh Tường cho biết, với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành thông tin-truyền thông tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó có nhiều lĩnh vực đã làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của các cơ quan Nhà nước như chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính với hạ tầng số được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Đặc biệt, hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã làm cho việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến của tỉnh đạt hơn 81,7%.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.900 vị trí trạm BTS, bảo đảm các thôn/bản được phủ sóng băng rộng di động đạt hơn 98%, Internet băng rộng cố định đạt 100%. Phú Thọ xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố về hạ tầng số theo Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số.
Tỷ trọng kinh tế số đạt 12,5%, đứng thứ 10 cả nước. 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, từng bước triển khai hợp đồng điện tử. Năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tổng giá trị ước đạt 8,6 tỷ USD.
Xã hội số đã và đang tạo ra thay đổi căn bản về sự tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp; giữa các tầng lớp nhân dân. 74,3% người dân từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản thanh toán điện; hơn 1,3 triệu dân có thẻ căn cước, căn cước công dân; gần 980.000 người có tài khoản định danh điện tử trên VneID. Thành lập hơn 2.500 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 7.500 thành viên tại 100% các xã, phường, thị trấn.
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. |
Ngoài ra, lĩnh vực báo chí, xuất bản cũng có nhiều bước tiến vững chắc. Các cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động theo hướng tòa soạn hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện; thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin chính thống; đấu tranh, phản bác, xử lý thông tin xấu độc; bảo đảm môi trường thông tin lành mạnh…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho rằng, những kết quả của ngành thông tin và truyền thông đã góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao các chỉ số đánh giá năng lực của các cơ quan nhà nước; đóng góp đáng kể vào việc thực hiện khâu đột phá của tỉnh Phú Thọ về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh.
Do vậy, trong thời gian tới, ngành thông tin và truyền thông cần nâng cao chất lượng chuyển đổi số tạo tiền đề, động lực thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, ngành cần tập trung xây dựng, kết nối các cơ sở dữ liệu và đầu tư hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu số của tỉnh, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ngoài ra, ngành thông tin và truyền thông cần đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng và nhân lực số; bảo đảm an toàn và an ninh thông tin. Tạo điều kiện và thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ số, công nghiệp điện tử và bán dẫn, với mục tiêu nâng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30% vào năm 2030.
Ngành thông tin và truyền thông cũng cần phát triển hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số; đồng thời, tăng cường công tác quản lý hoạt động báo chí, truyền thông; chú trọng truyền thông chính sách, cung cấp thông chính thống, thiết yếu định hướng dư luận và đồng thuận xã hội.