Lan tỏa tình yêu với sách từ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc

NDO - Khởi động từ năm 2019, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Thư viện tổ chức đã tạo nên một phong trào đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Trao giải thưởng cho các tập thể thành tích xuất sắc trong quá trình tổ chức cuộc thi.
Trao giải thưởng cho các tập thể thành tích xuất sắc trong quá trình tổ chức cuộc thi.

Theo bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua 4 năm tổ chức từ 2019 đến nay, có hàng trăm nghìn lượt học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi, hàng nghìn bài dự thi được gửi tới, với nội dung phong phú, đa dạng, sáng tạo, cách thể hiện độc đáo.

Năm 2019, Ban Tổ chức vòng chung kết Cuộc thi đã trao 183 giải thưởng cho các cá nhân đoạt giải, trong đó có 1 giải Đại sứ văn hóa đọc dành cho sinh viên; 2 giải Nhất; 3 giải Nhì, 10 giải Ba, 25 giải Khuyến khích được trao tương ứng cho từng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học cùng hàng chục giải chuyên đề cho học sinh, sinh viên.

Ngoài ra còn có 10 giải tập thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tốt vòng sơ khảo Cuộc thi.

Lan tỏa tình yêu với sách từ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc ảnh 1

Các bài thi được trình bày công phu.

Năm 2020, Ban tổ chức trao 275 giải thưởng trong đó có 2 giải Đại sứ văn hóa đọc, (dành cho học sinh trung học phổ thông và cho sinh viên); 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 13 giải Ba, 45 giải Khuyến khích tương ứng cho từng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học cùng hàng chục giải chuyên đề cho các em học sinh, sinh viên, và 10 giải Tập thể.

Lan tỏa tình yêu với sách từ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc ảnh 2

Có những bài thi được viết tay bằng nét chữ rất đẹp.

Năm 2021, có 285 giải thưởng được trao, cơ cấu các giải nhất, nhì, ba không thay đổi so với năm 2020.

Năm 2022, số giải thưởng cũng là 285 giải.

Lan tỏa tình yêu với sách từ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc ảnh 3
Giới thiệu các bài thi đoạt giải Đại sứ Văn hóa đọc qua nhiều năm.

Những con số trên cho thấy, số lượng giải thưởng đại sứ văn hóa đọc đã tăng theo từng năm, đặc biệt trong các năm 2020, 2021, 2022, cả nước còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến.

Lan tỏa tình yêu với sách từ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc ảnh 4

Một bài thi được trình bày rất bắt mắt.

Theo bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện, sau 4 năm tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm không chỉ từ các em học sinh, sinh viên, các đối tượng dự thi, mà còn từ các cấp, các ngành liên quan. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác phối hợp giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch với ngành giáo dục và Đoàn Thanh niên, Thông tin và truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Hội khuyến học để lan tỏa ý nghĩa và nội dung của Cuộc thi đến các trường học trên địa bàn, trở thành sinh hoạt ngoại khoá hết sức ý nghĩa của nhà trường và các đơn vị trong lực lượng vũ trang.

Cuộc thi còn nhận được sự quan tâm của các gia đình và nhà trường. Nhiều gia đình đã có sự đầu tư để cho con em có được những bài dự thi chất lượng cả về nội dung và hình thức, những clip dự thi thể hiện được sự chuẩn bị công phu, có tác dụng giáo dục lớn.

Tại nhiều trường, các thầy, cô giáo đã có sự hướng dẫn để các em học sinh, sinh viên xây dựng được kế hoạch và biện pháp phát triển văn hóa đọc cụ thể, có tính khả thi. Một số thí sinh tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc có những ý tưởng lan tỏa mang tính cộng đồng cao, như em Mai Như Ngọc có ý tưởng xây dựng tủ sách gia đình dòng họ Mai…

Lan tỏa tình yêu với sách từ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc ảnh 5

Ngày hội Văn hóa đọc tổ chức tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). (Ảnh: Thư viện tỉnh Nghệ An)

Cuộc thi cũng góp phần lan tỏa tình yêu đối với sách và văn hóa đọc trong thanh thiếu niên. Nhiều bài dự thi cho thấy không chỉ khả năng hấp thụ, thẩm thấu sách cao, khả năng tìm tòi, đọc hiểu, mà còn khả năng truyền đạt, thể hiện lại những cuốn sách đó dưới hình thức hấp dẫn, công phu. Có những bài thi được trình bày với tính mỹ thuật cao, như những tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Tuy nhiên, cuộc thi cũng còn một số hạn chế, như sự quan tâm của cộng đồng cũng như các cấp, các ngành chưa đồng đều, thiếu kinh phí thực hiện, thiếu nhân lực…

Lan tỏa tình yêu với sách từ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc ảnh 6

Trao giải Đại sứ Văn hóa đọc năm 2023 tại Phú Thọ. (Ảnh: Thư viện tỉnh Phú Thọ)

Liên quan đến cuộc thi, đại diện thư viện của các tỉnh, các ngành đã đưa ra một số kiến nghị, trong đó có việc quan tâm đầu tư kinh phí, thực hiện các mô hình điểm về đại sứ văn hóa đọc, tổ chức các diễn đàn giao lưu cho các đại sứ văn hóa đọc đã đoạt giải, để nâng cao và lan tỏa rộng rãi hơn nữa giá trị của văn hóa đọc.

Như ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Trao giải xong, các em lại trở về địa phương, và những thành quả của cuộc thi chưa được phát huy hết khả năng, rất lãng phí”.

Trải qua 4 năm, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ khuyến khích học sinh, sinh viên lan tỏa tình yêu sách, mà còn tạo nên sứ mệnh đi gieo những hạt mầm đọc sách từ trong các nhà trường, từ đó hướng tới xây dựng một xã hội học tập, góp phần phát triển đất nước.