Lan tỏa tình yêu thương vì cộng đồng

Chúng ta vẫn thường nói, không gì hạnh phúc hơn khi tổ ấm của trẻ có cả cha và mẹ. Song, trong cuộc sống không phải đứa trẻ nào cũng có được sự may mắn. Những nguyên nhân khác nhau, đã khiến cho không ít trẻ em phải chứng kiến và chịu đựng những nỗi đau to lớn. Nhiều em đã rơi vào cảnh mồ côi cha, mẹ, thậm chí không còn cả cha và mẹ khi còn rất nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa và các "Mẹ đỡ đầu" tặng quà cho trẻ mồ côi. (Ảnh THÚY YÊN)
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa và các "Mẹ đỡ đầu" tặng quà cho trẻ mồ côi. (Ảnh THÚY YÊN)

Thấu hiểu nỗi niềm đó, chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, nhằm vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em mồ côi có người thân mất không chỉ do đại dịch Covid-19 mà còn mở rộng sự quan tâm, nâng đỡ trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn do nhiều nguyên nhân khác.

Những mất mát của trẻ mồ côi không gì bù đắp được, nhưng với tình yêu thương và trách nhiệm của cả cộng đồng, những tình cảm của các cặp “mẹ-con” đã gieo yêu thương và mang hơi ấm tình thân đến với trẻ nhỏ, giúp các con cảm nhận sâu sắc hai chữ “gia đình” sau bão dông cuộc đời.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” thật sự là cầu nối, đem đến cho các con không chỉ thêm một người mẹ, mà còn thêm nhiều người thân, thêm một mái ấm gia đình với những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho các con về vật chất và tinh thần. Tính đến tháng 5/2024, các cấp hội phụ nữ đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho hơn 30.850 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Tổng số tiền, quà vận động trên địa bàn cả nước là gần 170 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, em Nguyễn Ánh Dương, sinh năm 2018, ở xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) khi chưa tròn hai tuổi thì mẹ mất vì bệnh hiểm nghèo. Em lớn lên trong vòng tay của ông bà ngoại nay đã già yếu, cuộc sống ngày càng khó khăn. Ðầu năm 2022, chị Lê Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kim Sơn đã nhận làm mẹ đỡ đầu của Ánh Dương.

Hằng tháng, Ánh Dương được mẹ đỡ đầu hỗ trợ kinh phí học tập. Tranh thủ những lúc rảnh, chị lại chạy qua nhà thăm Ánh Dương và ông bà, khi thì mua cho con ít sữa, lúc thì bánh trái. “Ánh Dương cũng chỉ trạc tuổi hai đứa con của tôi. Vậy mà đã phải sống trong hoàn cảnh thiếu bàn tay chăm sóc, hơi ấm của mẹ. Việc tôi hỗ trợ con về vật chất mới chỉ là những hỗ trợ thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày. Ðiều tôi mong muốn hơn cả là tiếp thêm động lực để con vươn lên trong cuộc sống, vững vàng hơn trong hành trình trưởng thành”, chị Thùy Dương tâm niệm.

Em Nguyễn Thị Hoài, sinh năm 2013 (ở xã Ðặng Xá, huyện Gia Lâm), mất bố từ khi còn rất nhỏ, ở với mẹ là công nhân vệ sinh môi trường và bà nội thường xuyên đau ốm. Ðồng lương ít ỏi của mẹ em dành chăm lo cho cả gia đình nên cuộc sống hết sức khó khăn. Khi em được “Mẹ đỡ đầu” Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ðặng Xá nhận hỗ trợ, giúp đỡ, em không chỉ có thêm một người mẹ mà còn có thêm tình cảm yêu thương và sự chăm lo về cả vật chất lẫn tinh thần. “Khi mẹ con ốm, mẹ Huệ đưa con đi học, đi chơi, chăm lo cho con, luôn dặn con cố gắng học thật chăm chỉ. Con cảm thấy vui và hạnh phúc lắm”, em Hoài xúc động chia sẻ.

Tại tỉnh Thanh Hóa, chương trình “Mẹ đỡ đầu” được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh đã, đang đồng loạt thực hiện, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, xã hội với nhiều việc làm tử tế của những “mẹ đỡ đầu”, “nhóm mẹ đỡ đầu”, “bố đỡ đầu”, “tổ chức, đơn vị đỡ đầu”... Theo phương châm “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”, đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã nhận đỡ đầu hơn 2.000 trẻ mồ côi. “Với tinh thần tự nguyện, hành động bằng cả trái tim yêu thương, những người bố, người mẹ đã tham gia nhận đỡ đầu bằng nhiều hình thức. Ðó là đỡ đầu trực tiếp bằng cách đến nhà chăm sóc, động viên tinh thần cho các con, hướng dẫn, giúp con làm việc nhà, học bài, chăm sóc bảo vệ bản thân, hỗ trợ nhu yếu phẩm, chi phí học tập, sinh hoạt..., hoặc đỡ đầu gián tiếp bằng kinh phí, vật chất thông qua các nhóm mẹ đỡ đầu của hội phụ nữ cơ sở”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa Ngô Thị Hồng Hảo chia sẻ.

Tại xã Tượng Văn, huyện Nông Cống, qua khảo sát, toàn xã có 10 cháu là trẻ mồ côi, trong đó tám cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cháu Lê Văn Bình, sinh năm 2009 ở thôn Trí Phú. Bố của Bình không may bị tai nạn qua đời, mẹ đi làm ăn xa, Bình ở với bà nội hiện nay đã già yếu.

Biết được hoàn cảnh của Bình, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quyết định nhận đỡ đầu. Các chị em trong hội đảm nhận trực tiếp vai trò “Mẹ đỡ đầu”, sau đó lập nhóm Zalo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên đến thăm hỏi và trò chuyện với Bình, cũng như giúp đỡ con trong sinh hoạt hằng ngày. Mọi người hỗ trợ nhu yếu phẩm, chuẩn bị sách giáo khoa, vở viết đầy đủ cho Bình trước năm học mới. Ðược sự quan tâm của các “Mẹ đỡ đầu”, Bình luôn có ý thức chăm ngoan, cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập.

“Ðể có nguồn lực hỗ trợ các con, hằng tuần chị em trong chi hội phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia hưởng ứng phong trào “Từ gom phế liệu đến triệu phần quà”. Số tiền quyên góp đã được các chi hội tự quản lý, trích thăm hỏi, động viên, tặng quà, mua sách vở, quần áo cho các con, thăm hỏi, động viên hỗ trợ gia đình và các con những lúc ốm đau”.

Chị Trần Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tượng Văn

Cũng từ mong muốn mang tới cho cộng đồng niềm vui khi sẻ chia tình yêu thương vô điều kiện như những người “Mẹ đỡ đầu”, hơn 10 năm qua, Ðại úy Nông Tiến Dược và vợ là chị Phan Thị Huế vẫn lặng lẽ đến những rẻo cao, xây nên hạnh phúc cho nhiều mảnh đời khó khăn, hoạn nạn.

Vợ chồng Ðại úy Nông Tiến Dược đều xuất thân từ gia đình thuần nông. Cả hai đều mồ côi cha từ nhỏ, cùng ngồi dưới mái trường trung học phổ thông rồi bén duyên qua hoạt động tình nguyện. Lễ cưới đơn sơ diễn ra vào năm 2012, khi anh Dược công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Cao Bằng và chị Huế là phóng viên Ðài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Cao Bằng.

Phải mất một thời gian, chị Huế mới quen với việc chồng thường xuyên vắng nhà vì công việc. Những ngày lễ, Tết, chồng đi trực tăng cường, vợ thì bận rộn với tin bài thời sự. “Mẹ chồng đã ngoài 60 tuổi, đau yếu thường xuyên. Lúc con trai đầu lòng chưa đầy một tuổi, có hôm tôi tranh thủ tạt qua nhà thì thấy vợ vừa đi cơ sở về nhưng vẫn cố gắng vừa địu con vừa nấu cơm. Khóe mắt tôi bất chợt cay xè”, anh Dược kể.

Bận rộn với công việc ở cơ quan và gia đình là thế, nhưng đôi vợ chồng người Tày vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như một thói quen. Thường có mặt ở những điểm trường, bản làng khó khăn, cho nên sau mỗi chuyến đi, chị Huế lại trăn trở việc giúp đỡ người dân hoạn nạn, các em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh éo le.

Còn nhiều lắm những con người vừa lao động cống hiến, vừa vun đắp hạnh phúc cho gia đình mình, trong khi vẫn không quên mang lại niềm vui cho các gia đình khác bằng tấm lòng thơm thảo nhân hậu, để xã hội này có thêm thật nhiều mái ấm.