Lan tỏa tình thương với người yếu thế

Lan tỏa những việc làm nhân ái của các cấp, các tổ chức, cá nhân ở tỉnh Ninh Thuận đã góp phần tích cực giúp người yếu thế, trẻ em khuyết tật… có thêm nghị lực để vươn lên, tự tin hòa nhập với cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi dạy xóa mù chữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Một buổi dạy xóa mù chữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Nhờ cộng đồng yêu thương, đùm bọc, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã vượt qua mặc cảm, ngày càng nỗ lực học tập, lao động, vươn lên để có cuộc sống tốt hơn.

Những người “mẹ” đặc biệt

Những ngày đầu năm học 2023-2024, chúng tôi đến thăm Trường Khuyết tật Quảng Sơn, thôn La Vang 2, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận - nơi mà 22 năm qua được ví là “mái nhà chung” của trẻ em khuyết tật. Cô giáo Huỳnh Thục Huyền, người quản lý, hỗ trợ đứng lớp dạy chia sẻ: Trường đang chăm sóc phục hồi chức năng cho 15 trẻ em bị khuyết tật, như: câm, điếc bẩm sinh, khiếm thị, tăng động, hội chứng down, thiểu năng trí tuệ... Do mắc những khuyết tật khác nhau và tùy mức độ, cho nên các em tiếp thu bài học cũng nhanh, chậm khác nhau.

Lớp học nơi đây cũng rất đặc biệt, trong lớp không có phấn trắng, bảng đen, mà thay vào đó là tình thương của các cô giáo. Các cô tự biên soạn giáo án riêng và đóng vai những người mẹ, người bạn để truyền đạt, hướng dẫn cách nghe, cách phát âm, cũng như cảm thụ ngôn ngữ bằng các ký hiệu hình ảnh được diễn đạt trên hai bàn tay, ánh mắt, nụ cười...; đồng thời, qua các buổi hoạt động ngoại khóa giúp các em rèn luyện các kỹ năng sinh hoạt như: Tự vệ sinh cá nhân, tự ăn uống, tự giữ gìn, bảo quản sách vở, đồ dùng học tập,… Nhờ đó, sau một thời gian lưu học tại trường, có bốn em tiến bộ được gia đình đưa về hòa nhập cộng đồng, tiếp tục học tập với các bạn cùng trang lứa tại các trường học trên địa bàn huyện.

Anh Phùng Hưng, phụ huynh em Phùng Khải Hoàn, chia sẻ: Trước đây, cháu rất ngại tiếp xúc với người lạ, nhưng sau một thời gian được các cô giáo chăm sóc, cháu đã biết đọc chữ, có những kỹ năng sống cơ bản, cho nên năm học 2023-2024 gia đình tôi đưa cháu vào học lớp 1 tại Trường tiểu học Quảng Sơn.

Không chỉ dạy tại trường, các cô giáo còn đến tận nhà để hướng dẫn, tư vấn cách chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho 25 trẻ khuyết tật khác.

Gần 20 năm, chúng tôi mới gặp lại chị Lê Thị Bình Minh tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Ninh Thuận. Sau lời chào hỏi, chị cho biết, giờ không thể nhớ hết những “đứa con” bị khuyết tật bẩm sinh mà chị đã từng chăm sóc. Dẫu không phải do mình sinh ra, nhưng chị luôn dành trọn tình yêu thương của người mẹ để chăm sóc.

Hơn sáu năm đồng hành với học sinh khuyết tật ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Ninh Thuận, chị Nguyễn Thị Năng bộc bạch: Những ngày đầu rất bỡ ngỡ, nhiều học sinh ở độ tuổi thanh, thiếu niên nhưng mức độ nhận thức chỉ bằng em bé từ một đến hai tuổi, cho nên việc dạy những kỹ năng cơ bản để các em biết tự chăm sóc bản thân thật sự là một kỳ tích. Để làm được điều đó, giáo viên phải dành trọn tình thương, niềm tin… thì mới có động lực để xây dựng giáo án phù hợp, giúp các em dần cởi mở, mạnh dạn giao tiếp, thể hiện được cảm xúc với mọi người bằng ngôn ngữ riêng là các ký hiệu tạo hình bằng hai bàn tay.

Chị Năng tâm sự: “Tuy nhiều em không phát âm được để bày tỏ, nhưng nhìn ánh mắt của trẻ mình cảm nhận được sự biết ơn và chính sự tiến bộ của các em đã tiếp thêm niềm vui cho giáo viên gắn bó với nghề. Vui nhất là khi nhìn thấy các em biết đọc chữ, viết chính tả, thành thạo các phép toán cơ bản; tự chủ vệ sinh, ăn uống, biểu lộ cảm xúc trìu mến”.

Cơ hội vươn lên trong cuộc sống

Hơn 12 năm qua, phòng tranh Minh Tuấn của anh Đặng Minh Nghĩa nằm trên đường Hoàng Diệu, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm trở thành nơi nương tựa cho hơn 50 trẻ em khuyết tật có đam mê vẽ tranh cát.

Anh Nghĩa là nhà thầu xây dựng, tự tìm hiểu và làm tranh bằng cát để thỏa mãn đam mê nghệ thuật. Năm 2010, anh đem tác phẩm “Vợ chồng” tham gia Hội chợ thương mại-làng nghề gắn với Lễ hội Katê và đoạt giải khuyến khích. Từ đó, nhiều người biết đến “họa sĩ tay ngang” Minh Nghĩa. Năm 2011, được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp phép đào tạo nghề, anh trở thành thầy dạy vẽ tranh cát miễn phí cho trẻ khuyết tật.

Thầy và trò giao tiếp thông qua các ký hiệu bằng tay, ánh mắt. Giáo cụ là những chiếc ly thủy tinh, lồng kính, cát, chiếc thìa và que tre nhỏ… Để vẽ được tranh cát, người học vẽ phải thành thạo kỹ thuật trộn màu, phân lớp màu, chọn khung, trình bày đường nét chi tiết trong bức tranh với kỹ thuật tỉ mỉ, cũng như sự kiên trì.

Từ những hạt cát vô hồn, các em đã sáng tác nên những bức tranh cát độc đáo về phong cảnh quê hương, hình ảnh thân quen diễn ra trong cuộc sống… hằng ngày. Mỗi em có thể sáng tác từ một đến hai bức tranh về phong cảnh, thu nhập đạt từ bốn đến bảy triệu đồng/người/tháng. Em Nguyễn Văn Nguyên ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước theo học nghề miễn phí từ năm 2011, nay vừa thành thạo kỹ thuật làm tranh cát, biết chữ,… trở thành nhân viên chính tại phòng tranh. Nguyên chia sẻ: Nay, em đã có được nghề cơ bản với thu nhập ổn định có thể tự nuôi sống bản thân.

Tương tự, em Châu Thanh Khoa, ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, sau thời gian học nghề, nay vừa làm việc tại phòng tranh Minh Tuấn, vừa tự mở phòng tranh riêng để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Không chỉ dạy vẽ miễn phí, hỗ trợ cơm trưa, anh Nghĩa còn giúp các em tìm đầu ra sản phẩm bằng cách kết nối, ký gửi sản phẩm trưng bày tại các địa điểm du lịch như: Tháp Po Klong Garai; Saigontourist... được nhiều khách hàng tham quan và liên hệ đặt hàng thường xuyên, tạo nguồn thu ổn định để các em tự tin sống với nghề.

Anh Nghĩa tâm sự: “Phòng tranh là nơi các trẻ khuyết tật thể hiện tài năng. Nhìn các học trò trưởng thành, tôi dần vơi đi những nỗi lo. Giờ, tôi mong muốn mở rộng phòng tranh, với nhiều loại hình đa dạng hơn để tiếp tục nhận nhiều trẻ em khuyết tật đến học nghề theo nhu cầu, sở trường của mình và luôn mong các em có điều kiện vươn lên hơn nữa”.

Hiện, phong trào chăm lo cho người yếu thế ngày càng lan tỏa sâu rộng ở Ninh Thuận. Tại các xã Xuân Hải, Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải đã có hàng chục lớp học đặc biệt về xóa mù chữ do giáo viên các trường trên địa bàn tổ chức dạy ba buổi/tuần (từ lớp 1-5) cho hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số từ 40-60 tuổi theo học và biết đọc chữ.

Tại huyện Ninh Phước, mô hình Tổ thu gom phế liệu tình thương “Biến rác thành tiền”, do Hội Phụ nữ huyện phát động đã thu hút nhiều hội viên và người dân trên địa bàn huyện tham gia, bằng cách chia nhóm đi đến từng hộ gia đình hoặc đi dọc các tuyến đường trong khu dân để thu gom phế liệu và bán lấy tiền gây quỹ, mua vở, dụng cụ học tập tặng học sinh nghèo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho nhiều người yếu thế…

Bà Lê Thị Xuân Hương, ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tâm sự: “Cách đây 7 năm, chồng tôi bị tai biến nằm liệt một chỗ, khiến kinh tế gia đình dần kiệt quệ. Nhờ có chị em phụ nữ trong thôn hỗ trợ, đời sống gia đình tôi đã giảm bớt gánh nặng”.