Qua 27 lần tổ chức đã có 2.924 công trình khoa học công nghệ từ các bộ, ngành và địa phương tham gia Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam thuộc các lĩnh vực công nghệ ưu tiên: Cơ khí tự động hóa; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ thông tin, Điện tử và viễn thông; Công nghệ vật liệu mới; Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.
Từ các công trình dự thi, Ban Tổ chức lựa chọn và trao thưởng cho 983 công trình với hàng chục nghìn nhà khoa học, nhà sáng tạo và doanh nhân. Điển hình như: GS Huỳnh Phương Liên với công trình "Hoàn thiện công nghệ sản xuất và đánh giá hiệu quả của vắc-xin viêm não Nhật Bản"; GS, TS Nguyễn Thu Vân với công trình "công nghệ sản xuất và hiệu quả của bộ sinh phẩm chẩn đoán HBsAg micro-Elisa và vắc-xin viêm gan B"; hay như công trình ứng dụng vật liệu mới: Áp dụng công nghệ siêu mịn trong sản xuất gạch ốp lát Cotto chất lượng cao của Công ty cổ phần Gốm Đất Việt do Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu làm chủ; công trình "Nghiên cứu ứng dụng giếng thăm bê-tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn liên hệ mối nối cống trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường" của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo...
Phần lớn các công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống đem lại hiệu quả cao, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, giữ vững an ninh quốc phòng, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và chuyển giao vào cuộc sống. Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội), Quỹ VIFOTEC đã trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của các nhà khoa học, các nhà sáng tạo.
Việc tổ chức thành công 27 Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam góp phần tạo nên phong trào thi đua nghiên cứu khoa học công nghệ và lao động sáng tạo của đội ngũ tri thức và nhân dân lao động trong cả nước, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Định kỳ tổ chức hai năm một lần và theo hai cấp (tỉnh, thành phố, bộ và toàn quốc), Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc cũng luôn nhận được sự tham gia của đông đảo người dân, từ nông dân, công nhân đến thanh thiếu niên trên toàn quốc. Trung bình mỗi năm có gần 600 giải pháp được lựa chọn từ hàng nghìn giải pháp của các bộ, ngành, địa phương gửi về dự thi. Đến nay có tổng số 619 giải pháp được Ban Tổ chức lựa chọn trao giải.
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ VIFOTEC được ba cơ quan là Liên hiệp Hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giao cho làm thường trực cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
Quỹ đã chú trọng phát triển các tài năng khoa học trẻ tuổi nhằm đào tạo, nuôi dưỡng các nhà sáng chế tương lai. Trong vòng 16 năm với 16 lần tổ chức, cuộc thi đã nhận được 8.421 đề tài dự thi và có 1.531 đề tài đoạt giải, qua đó khơi dậy sự đam mê sáng tạo của các thanh thiếu niên, mong muốn trở thành những nhà sáng tạo, nhà khoa học và nhà sáng chế - những công dân trẻ tài năng của đất nước.
Không chỉ tập trung hoạt động trong nước, Quỹ VIFOTEC cũng chú trọng hợp tác quốc tế và đối ngoại. Hằng năm, Quỹ lập các đoàn đưa những công trình sáng tạo xuất sắc đại diện cho Việt Nam tham gia Triển lãm quốc tế về sáng tạo tại các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan; tham gia Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ. Tại đây, các nhà sáng tạo sẽ được chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, học hỏi về những xu hướng công nghệ mới để phát triển sáng kiến, sáng chế của mình.
Trong các năm qua Quỹ tiếp tục có quan hệ rộng rãi với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ; thường xuyên tổ chức các đoàn cho các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trẻ tham gia các hội thảo, triển lãm quốc tế về sáng tạo...
Với sự hợp tác chặt chẽ của Quỹ VIFOTEC, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hằng năm đã trao Huy chương vàng và giấy chứng nhận: Công trình xuất sắc nhất; Doanh nghiệp xuất sắc ứng dụng hệ thống sở hữu trí tuệ vào hoạt động sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, Quỹ VIFOTEC còn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Giáo dục Intel tổ chức Hội thi nghiên cứu khoa học-kỹ thuật dành cho học sinh trung học (ISEF).
Trong 30 năm qua, kể từ khi đi vào hoạt động, Quỹ VIFOTEC về cơ bản hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích, hỗ trợ cho các đối tượng sáng tạo khoa học công nghệ trong cả nước thông qua việc tổ chức các Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, Cuộc thi sáng tạo Thanh, thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Giải thưởng VIFOTEC đang trở thành giải thưởng đứng thứ ba sau Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.
Uy tín của giải thưởng ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà sáng tạo công nghệ. Khơi dậy lòng đam mê khoa học của quần chúng lao động và nhân dân cả nước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với hàng nghìn đề tài được ứng dụng vào cuộc sống đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp và các hộ cá nhân.
Ngoài ra, Quỹ VIFOTEC còn liên kết với Công ty Hóa phẩm Thiên Nông chuyển giao công nghệ sản xuất phân lân hữu cơ vi sinh theo công nghệ của Canada ra 15 tỉnh, thành phố trong cả nước đem lại hiệu quả kinh tế và nông nghiệp xanh cho môi trường sinh thái. Quỹ cũng hỗ trợ hàng tỷ đồng cho các nhà khoa học, nhà sáng chế để ứng dụng nhanh các đề tài đoạt giải vào sản xuất và đời sống.
Mặc dù có những kết quả đáng khích lệ, nhưng thực tế hoạt động Quỹ VIFOTEC còn có những khó khăn, nhất là nguồn lực tài chính của quỹ vẫn còn hạn chế. Nhằm thúc đẩy hơn nữa phong trào đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới, Quỹ VIFOTEC tập trung nâng cao chất lượng của từng công trình tham gia Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, các giải pháp dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc; phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ có biện pháp hỗ trợ tài năng sáng tạo, như việc hỗ trợ đối với công trình đoạt giải thưởng có hiệu quả ứng dụng vào cuộc sống và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học, nhà sáng tạo.