Lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói chung, triển khai hai Quy tắc ứng xử (QTƯX) nói riêng là những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị thành phố. Để thông tin kịp thời đến đông đảo quần chúng nhân dân, các cơ quan báo chí, truyền thông đóng vai trò như cầu nối, góp phần thiết thực trong việc xây dựng, bồi đắp văn hóa người Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ được thành phố triển khai liên tiếp trong tám nhiệm kỳ công tác. Nhiệm vụ này được cụ thể hóa trong Chương trình 06-CTr/TU (khóa 17) ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Cũng trong giai đoạn này, việc triển khai QTƯX của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trên địa bàn thành phố và QTƯX nơi công cộng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Khác với các quy định pháp luật, các QTƯX không có chế tài. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò then chốt; đồng thời, cần phải thực hiện bài bản, lâu dài, từ chỗ người dân nhận thức đầy đủ về QTƯX cho đến từng bước khắc phục thói quen xấu, hình thành những cách ứng xử tốt đẹp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, thành phố đã phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương, chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền. Nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục về lối sống người Hà Nội đã được triển khai hiệu quả, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Báo Nhân Dân là một trong những cơ quan tiên phong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trưởng ban Nhân Dân điện tử Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: “Việc hình thành, xây dựng, định hướng chuẩn mực văn hóa, thực hiện tốt các quy tắc ứng xử là công việc lâu dài, phức tạp, phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, tổ chức, trong đó có lực lượng báo chí. Báo Nhân Dân đã có nhiều bài viết phản ánh kịp thời hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội cũng như góp phần tuyên truyền các mô hình đẹp, cách làm hay để xây dựng nếp sống văn minh, là bài học cho các địa phương, các đơn vị khác tham khảo và thực hiện, đồng thời giúp định hướng hành vi ứng xử cho người dân”.

Lực lượng thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, do đó, xây dựng văn hóa cho thanh thiếu niên chính là giải pháp “sâu gốc, bền rễ”. Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng chia sẻ: “Báo Tiền Phong có nhiều bài, tuyến bài lan tỏa những hành động đẹp của lực lượng thanh niên trong đời sống, xem đó như những tấm gương để cộng đồng có thể tự soi và sửa mình. Báo cũng có hàng nghìn tin, bài giới thiệu được những tinh hoa văn hóa của mảnh đất và con người Hà thành, kịp thời nêu, phân tích, mổ xẻ những hạn chế, đồng thời đề xuất những giải pháp tích cực để cải thiện những mặt chưa đẹp còn xuất hiện đây đó ở những cơ quan công sở, hoặc phố phường Hà Nội. Thông tin đăng tải trên mặt báo luôn đi theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, nhân lên những điều tốt đẹp để xã hội ngày càng tốt hơn”.

Trong thời đại số, các tờ báo đẩy mạnh triển khai cách làm báo hiện đại, đa phương tiện để tạo sức hấp dẫn trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền về người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Người Hà Nội Tạ Thị Thu Hà cho biết, tạp chí đã chủ động thực hiện đa dạng các chuyên mục, loại hình báo chí đa phương tiện với nhiều nội dung phong phú, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, góp phần bồi đắp giá trị tinh thần người Hà Nội…

Nhiều tờ báo còn cập nhật tin, bài, video clip trên nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin về văn hóa Hà Nội rộng rãi hơn đến công chúng. Tuy nhiên, việc tận dụng nền tảng mạng xã hội còn chưa được phát huy tối đa. Trưởng ban Thư ký, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV Đồng Mạnh Hùng đề xuất: “Chúng ta nên tận dụng mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube) để tiếp cận giới trẻ; chú ý xây dựng các ứng dụng tương tác về văn hóa ứng xử Hà Nội, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thực hành. Song song với nhiệm vụ này, cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp để kiểm soát và ngăn chặn các trang mạng xã hội đăng tải những thông tin, hình ảnh sai sự thật hoặc cá biệt làm xấu hoặc hiểu sai về văn hóa Hà Nội”.

Khẳng định vai trò của báo chí trong xây dựng văn hóa Hà Nội, đại diện nhiều cơ quan báo chí cũng đề xuất với thành phố những kiến nghị tâm huyết để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đồng thời, thành phố cần quan tâm hơn, tạo điều kiện tốt hơn để các cơ quan báo chí có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình ■