Lan tỏa mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn miền nam thu hút được nhiều hội viên là nhà nông sản xuất hữu cơ, đại lý tiêu thụ nông sản và các nhà khoa học…, góp phần mở đường phát triển mạnh mẽ mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Các hội viên Chi hội nông nghiệp tuần hoàn miền nam nghe chia sẻ về cách thức triển khai hiệu quả nông nghiệp hữu cơ.
Các hội viên Chi hội nông nghiệp tuần hoàn miền nam nghe chia sẻ về cách thức triển khai hiệu quả nông nghiệp hữu cơ.

Ngày 8/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn miền nam (Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Tại Hội nghị, bà Hồ Tú Anh, Chi hội trưởng Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn miền nam cho biết, tuy mới thành lập được hơn 8 tháng, Chi hội đã triển khai nhiều hoạt động, kết nạp được gần 70 hội viên.

Đó là nông dân sản xuất nông nghiệp, các đại lý tiêu thụ nông sản hữu cơ và giảng viên có học vị tiến sĩ tham gia làm nông nghiệp hữu cơ… Theo kế hoạch năm 2024, Chi hội kết nạp thêm 50 hội viên.

Năm 2023, Chi hội Nông nghiệp tuần hoàn miền nam đã thực hiện các chuyến đi thực tế tìm hiểu một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn ở miền Tây Nam Bộ và Đồng Nai, Lâm Đồng được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ vốn và kỹ thuật.

Đó là, mô hình thanh long ở Châu Thành; mô hình lúa nếp ở Thạnh Hóa (Long An); mô hình lúa ở Tam Nông (Đồng Tháp); mô hình vú sữa và ổi ở huyện Kế Sách; mô hình lúa tôm ở Mỹ Xuyên; mô hình dưa hấu ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng); mô hình lúa tôm, lúa ST ở Bạc Liêu; mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Sông Ray huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), mô hình trồng chè ở Di Linh (Lâm Đồng)...

Lan tỏa mô hình nông nghiệp tuần hoàn ảnh 1

Tham quan mô hình canh tác lúa hữu cơ tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Đồng thời, Chi hội tiến hành khảo sát thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nhằm nắm bắt xu hướng, thị hiếu tiêu thụ nông sản hữu cơ.

Kết quả, đã liên hệ, tiếp cận được hơn 10 đầu mối là các cửa hàng, đại lý bán sản phẩm phân bón, nông sản hữu cơ, trong đó có 4 cửa hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và 1 cửa hàng ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Em, Hợp tác xã Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, Hợp tác xã có hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm làm nông nghiệp hữu cơ với cây lúa từ năm 2021.

"Năm đầu sản xuất 5ha được 2 vụ, sau đó mở rộng liên kết 30ha. Với cách làm mới theo nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi thấy năng suất và lợi nhuận cao hơn hẳn so với cách làm bình thường. Cái được lớn nhất là bà con an toàn sức khỏe vì không phải phun thuốc sâu rầy. Nhận thấy lợi ích, bà con bên ngoài rất mong muốn tham gia, mở rộng thêm diện tích nông nghiệp hữu cơ”, ông Em thông tin.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn chú trọng bảo vệ môi trường, tạo nhiều sinh kế cho nông dân, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng.

Do đó, mô hình này ra đời trở thành quy luật tất yếu. Làm nông nghiệp tuần hoàn là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nhưng rất khó khăn vì phải thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp nông nghiệp vì có rất nhiều rủi ro.

“Để thành công, phải có doanh nghiệp nông nghiệp dẫn dắt tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu cung ứng đầu vào như phân bón hữu cơ, kỹ thuật và giải quyết được đầu ra sản phẩm hữu cơ.

Khi doanh nghiệp làm được điều đó, cùng với việc nông dân thay đổi nhận thức sẽ giúp lan tỏa được mô hình nông nghiệp tuần hoàn” Ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định.