Với hơn 200 hình ảnh, tài liệu, bài viết, Triển lãm đưa người xem đến với không gian kết cấu theo hai phần. Phần một: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta” là lời khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta gắn với phong trào thi đua “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!” đã được Đảng, Nhà nước ta phát động ngay sau khi Người qua đời.
Trong phong trào ấy, hàng nghìn tập thể, cá nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc đã ra sức thi đua, góp phần xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn. Bước sang phần hai: “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, Triển lãm mở ra những câu chuyện giàu xúc cảm với tư liệu chân thực về 62 tập thể, 71 cá nhân tiêu biểu của các ngành, các cấp trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực: kinh tế; văn hóa-xã hội; xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền; quốc phòng, an ninh.
Ở đó, người xem được biết đến những tấm gương giàu nghị lực đã dũng cảm chinh phục mọi nghịch cảnh, khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, khẳng định chính mình và lan tỏa những thông điệp sống tích cực. Đó là trường hợp nữ nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận). Sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân là người khuyết tật, chỉ viết bằng ba ngón tay trong tư thế nằm nghiêng, nhưng nữ nhà văn đã cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành như: Tay chị Tay em, Cút cà Cút kít, Chuyện kể lớp cây me…
Chị đồng thời là chủ sở hữu của nhiều giải thưởng uy tín như: Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013-2014; Giải thưởng Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ VI năm 2018, Giải nhất tản văn Thương nhớ miền trung; Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022… Đó còn là trường hợp thương binh Nguyễn Hồng Yên (Nghệ An), dù để lại chiến trường đôi chân và 91% sức khỏe, dù mang theo thương tật trên người, ông vẫn gắng gượng làm ăn, trở thành tấm gương sản xuất giỏi. Hay như cựu chiến binh Lê Đức Vinh (Ninh Bình), mất đi 81% sức khỏe, ông vẫn phát huy tinh thần thương binh “tàn nhưng không phế”, luôn hăng say lao động sáng tạo, trở thành người tiên phong đưa nguồn nước sạch về cho nhiều vùng còn khó khăn của huyện Hoa Lư…
Triển lãm cũng lan tỏa thông điệp sống nhân văn, sẻ chia thông qua những việc làm, hành động thiết thực của nhiều tấm gương vì cộng đồng. Tiêu biểu như cô giáo trẻ Nguyễn Thị Ngọc Tâm (Nam Định) - người quyết không đầu hàng căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh để hiện thực hóa ước mơ làm cô giáo bằng cách mở lớp học miễn phí tại nhà cho các em học sinh; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ lập quỹ học bổng tặng các em nhỏ vùng quê nghèo; xây dựng không gian đọc với hơn 1.500 sách…
Người xem cũng không khỏi cảm động trước câu chuyện suốt hơn hai năm qua, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ công an xã Ba Lế (Quảng Ngãi) đã cõng các em học sinh băng sông đi học… Từ Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, người xem còn được truyền cảm hứng bởi hành trình hơn 30 năm sáng tạo, nghiên cứu loại hình múa rối điện độc đáo của ông Hồ Văn Thân (Nghệ An); được nhân lên sức mạnh từ tấm gương sống đẹp của binh nhất Quan Ngọc Hoàng (Tuyên Quang), người đã dũng cảm vượt lũ trong đêm tối để giải cứu 105 học sinh có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng ở khu ký túc xá Trường THPT Lâm Bình (ngày 29/6/2022)…
Bằng trái tim nhiệt huyết, nghị lực phi thường, họ đã góp phần lan tỏa tình yêu thương, sự dũng cảm, sức mạnh đoàn kết, gắn bó, cùng những thông điệp sống tích cực trong cộng đồng.
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết: 133 điển hình tiên tiến được giới thiệu tại Triển lãm là những tấm gương tiêu biểu lựa chọn từ gần 600 tấm gương đã được Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Tổng Cục chính trị (Bộ Công an) giới thiệu.
Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh kéo dài đến hết tháng 8/2023 và sau đó sẽ được tổ chức trưng bày tại một số địa phương.