Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh

Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh

NDO - Mỗi hiện vật, tư liệu chiến tranh về giai đoạn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 mang trong mình những câu chuyện riêng, được trưng bày trang trọng tại nhiều bảo tàng, như nhắc nhở những người trẻ về một giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng của cả dân tộc. 77 năm đã qua đi, những di sản ký ức này không chỉ là câu chuyện của quá khứ mà còn là thông điệp của thế hệ trước gửi lại cho muôn đời sau.

Những kỷ vật vô giá trong tâm thức người trẻ

Cứ sau mỗi một khóa học quân sự, thầy Phạm Văn Điềm (nguyên giáo viên bộ môn Quốc phòng an ninh tại Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam) lại dẫn đoàn sinh viên đến trải nghiệm thực tế, thu nhận những kiến thức sâu hơn về lịch sử Cách mạng Tháng Tám thông qua những kỷ vật, hiện vật chiến tranh được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự.

Sáng 13/8, hàng trăm sinh viên Học viện Báo chí-Tuyên truyền được tìm hiểu về lịch sử một cách trực quan thông qua các kỷ vật chiến tranh được trưng bày tại đây.

Thầy Điềm tâm sự: “Những kỷ vật này là vô giá, không gì so sánh được. Thông qua các buổi học như thế này, các em có nhận thức và tự hào về Việt Nam. Không nơi đâu đánh giặc như cách đánh của Việt Nam ta.

Qua đó, các em hiểu hơn về sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết nắm bắt thời cơ chính xác để có quyết định đúng đắn, giành thắng lợi, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Những kỷ vật giá trị là những minh chứng hào hùng cho tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam để giành lại độc lập tự do cho dân tộc”.

Hai giờ trải nghiệm, được nhìn những hiện vật chiến tranh vô cùng quý giá, được nghe giới thiệu, xem những thước phim về lịch sử, thế giới quan của những người trẻ được rộng mở, thấm thía hơn về một giai đoạn lịch sử khốc liệt, về những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, về một tinh thần dân tộc anh hùng, bất khuất.

Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh ảnh 1

Sinh viên Lê Cẩm Tú (áo đen) cùng các bạn Lớp Kinh tế và Quản lý, K41, Học viện Báo chí-Tuyên truyền tham quan, tìm hiểu về lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự.

Đến bảo tàng cùng bạn bè, nữ sinh Lê Cẩm Tú, Lớp Kinh tế và Quản lý, K41, Học viện Báo chí-Tuyên truyền tâm sự, đây là lần thứ 2 em được tới tham quan Bảo tàng nhưng là lần đầu tiên các em lần đầu tiên được hiểu tường tận về từng giai đoạn lịch sử nhờ lời giới thiệu của hướng dẫn viên.

“Thời gian đầu học thấy hơi cực và mệt nhưng sau khi đến đây được xem các thước phim tài liệu, được nhìn thấy các vũ khí, các kỷ vật chiến tranh thật sự, em cảm thấy xúc động. Thậm chí, có những hiện vật, câu chuyện được kể lại khiến chúng em nổi da gà, rưng rưng xúc động vì những hy sinh quá lớn của các chiến sĩ và nỗi mất mát do chiến tranh gây ra. Chúng em cố gắng học thật tốt để đóng góp cho Tổ quốc, sống xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước”, Cẩm Tú tâm sự.

Cuộc chiến giành chính quyền tháng 8/1945 đã lùi xa hơn 7 thập kỷ, nhưng phần hình ảnh, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 được sưu tầm, lưu trữ, bảo tồn, trưng bày khá phong phú, đa dạng, từ văn bản, nghị quyết đến hiện vật chiến tranh, kỷ vật chiến sĩ.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu trữ hơn số hơn 300 hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý liên quan đến cuộc Cách mạng Tháng Tám và buổi Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.

Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh ảnh 2
Bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử Quốc ca trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.

Một trong những kỷ vật đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhiều du khách chính là bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử Quốc ca trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bản Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao.

Ban nhạc Vệ quốc đoàn đã thu được bộ kèn đồng gồm 20 chiếc từ đội nhạc kèn của quân Pháp tại Hà Nội. Ngày 2/9/1945, âm thanh của bộ kèn đồng này hòa cùng bài hát "Tiến quân ca" đã vang lên trong ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bộ kèn đồng đã được đồng chí Đinh Ngọc Liên trao tặng Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) vào năm 1959.

Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh ảnh 3

Bản nhạc Quốc gia Việt Nam (Tiến quân ca) do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác được cử hành trong Lễ chào cờ ngày 2/9/1945.

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện cũng đang lưu trữ hơn 1.000 hiện vật, tài liệu phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước - Cách mạng Tháng Tám (giai đoạn 1941-1945), trong số đó, có không ít những hiện vật độc bản.

Theo bà Lê Thị Hồng Thu, Phó phòng Quản lý hiện vật, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, bộ sưu tập này gồm nhiều nhóm hiện vật như: truyền đơn, báo chí trong cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945; văn bản tài liệu phổ biến đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh; vũ khí và các phương tiện nhân dân sử dụng trong khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945; hiện vật về các nhà cách mạng; hiện vật nói về nhân dân nuôi giấu, chở che bảo vệ cách mạng; Tài liệu của địch theo dõi các hoạt động cách mạng của ta...

Sưu tập hiện vật, tài liệu, hình ảnh nói chung, về Cách mạng Tháng Tám nói riêng được bảo quản theo chất liệu. Mỗi thủ kho có trách nhiệm quản lý một kho hiện vật thuộc một hoặc một vài chất liệu tương đồng. Các chất liệu được phân loại ở Bảo tàng gồm: vải (đồ dệt), giấy (văn bản), kim loại, thể khối tổng hợp (gỗ, đá, xương, sừng, da...).

Đến với trưng bày, khách tham quan có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về Cách mạng Tháng Tám thông qua các hiện vật, tài liệu tiêu biểu, như: Bản thảo (viết tay) Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII tháng 5/1941 tại Cao Bằng; Bản thảo của Nguyễn Ái Quốc về phát triển tổ chức quần chúng và Việt Minh năm 1941… hay những tài liệu tuyên truyền đã được xuất bản trong điều kiện bí mật như: Việt Nam ngũ tự kinh; sách Lịch sử nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Một trong những sưu tập hiện vật quý giá về giai đoạn lịch sử trọng đại này chỉ có ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia như sưu tập truyền đơn, sưu tập báo chí cách mạng 1925-1945 (hầu hết được xuất bản bí mật) cùng những công cụ, phương tiện in ấn thô sơ: phiến đá in báo Việt Nam Độc lập ở Cao Bằng, ru-lô bằng gỗ, lư đựng mực in báo, con dấu gỗ dùng đóng trên báo Việt Nam Độc Lập từ 1941 đến 1945, hay sưu tập vũ khí tự tạo mà nhân dân Việt Nam sử dụng trong Cách mạng Tháng Tám…

Theo bà Lê Thị Hồng Thu, có hàng trăm truyền đơn cách mạng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đang được lưu giữ tại bảo tàng. Trong giai đoạn lịch sử này, truyền đơn là hình thức tuyên truyền hiệu quả sử dụng tập hợp kêu gọi vận động quần chúng nhân dân đoàn kết thành một khối sức mạnh theo Đảng góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh ảnh 4

Có hàng trăm truyền đơn cách mạng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đang được lưu giữ tại bảo tàng.

Truyền đơn là những tờ giấy nhỏ được in thạch hoặc chép tay. Phần lớn truyền đơn được sưu tầm từ Hồ sơ theo dõi của mật thám Pháp hoặc hồ sơ của chiến sĩ cách mạng bị tù đày. Ngôn ngữ biểu đạt của truyền đơn ngắn gọn, dễ hiểu với toàn thể quần chúng nhân dân. Để làm ra truyền đơn và truyền bá đến nhân dân, các chiến sĩ cách mạng không chỉ dốc toàn bộ tâm trí mà phải đánh đổi bằng máu và thậm chí là hy sinh.

Một trong những hiện vật độc bản được lưu trữ tại Bảo tàng chính là bản gốc của 3 số họa bản và 124 số báo Việt Nam độc lập. Đây là tờ báo đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, là cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Nam tại Cao Bằng. Kể từ khi xuất bản số đầu tiên vào ngày 1/8/1941, đến ngày 16/12/1945, báo ra được 135 số.

Nội dung bài đăng báo viết rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, sử dụng văn vần lục bát, song thất lục bát phù hợp trình độ nhận thức của nhân dân. Nội dung kêu gọi nhân dân đoàn kết tham gia vào Mặt trận Việt Minh, đấu tranh chống thực dân Pháp, phát-xít Nhật để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng 8.

“Báo được in trên đá rất đặc biệt và nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự khéo léo nhất định. Người làm báo phải mài mặt đá thật phẳng nhẵn để khi in các chữ lên đều, sau đó người viết dùng bút sắt chấm mực nho đặc để viết lên mặt đá những chữ trái nét theo từng cột đúng như trình bày trên mỗi số báo. Mỗi mặt đá là một trang báo. Chữ viết trái nét khi in trên giấy thành chữ thường, đòi hỏi người viết chữ phải tập luyện rất nhiều để viết đúng và đẹp”, bà Thu cho hay.

Báo Việt Nam độc lập là tờ báo cách mạng duy nhất xuất bản hàng trăm số trong hoàn cảnh bí mật tại căn cứ địa Cao Bằng. Báo góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền xây dựng lực lượng cách mạng, góp phần làm nên chiến thắng Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh ảnh 5

Báo Việt Nam độc lập là tờ báo cách mạng duy nhất xuất bản hàng trăm số trong hoàn cảnh bí mật tại căn cứ địa Cao Bằng.

Tại bảo tàng, những tài liệu, hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam, về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về giai đoạn trước và về sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945 có vị trí đặc biệt. Những tài liệu tái hiện lại hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quá trình tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, quá trình chuẩn bị về chính trị, xây dựng tổ chức và lực lượng để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Hiện vật tiêu biểu trong giai đoạn này là cuốn sách “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Lan tỏa giá trị của những kỷ vật lịch sử

Chị Hoàng Lan Anh (Quảng Ninh) cho con trải nghiệm chuyến đi Hà Nội trước thềm năm học mới. Lần này, hai cậu con trai của chị đã bước vào cấp 3, đang được học về sử giai đoạn Cách mạng Tháng Tám. Vì thế, một trong những điểm đến lần này của gia đình chính là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

“Tôi muốn đưa con mình tới đây để hiểu hơn về lịch sử dân tộc qua từng giai đoạn. Cháu được dạy lý thuyết nhiều, nhưng phải đến đây xem thực tế, được nhìn các hiện vật chiến tranh, các cháu hiểu hơn, đau xót hơn trước những mất mát, hy sinh của các cha ông đi trước, tự hào về những chiến công vang dội của dân tộc”, chị Lan Anh cho hay.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn là một điểm đến đặc biệt của lớp trẻ ngày nay vì đây là bảo tàng đầu hệ có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật và tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc một cách đầy đủ, toàn diện về tiến trình lịch sử, văn hóa Việt Nam (từ thời kỳ Tiền sử đến ngày nay). Trong nhiều năm qua, sưu tập hiện vật, tài liệu, hình ảnh về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã phát huy tối đa hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục.

Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh ảnh 6

Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” và mô hình "Giờ học lịch sử" được đánh giá là hoạt động có chất lượng, hiệu quả nhất.

Bà Phạm Thị Mai Thủy, Trưởng phòng Giáo dục công chúng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, trong các hoạt động giáo dục tổ chức trực tiếp tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” và mô hình "Giờ học lịch sử" được đánh giá là hoạt động có chất lượng, hiệu quả nhất.

Ngày 3/2/2007, Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” dành cho nhóm nhà trường được thành lập; tiếp đó là mô hình Giờ học lịch sử dành cho các nhóm gia đình ra đời năm 2012. Tính từ năm 2018 đến nay, Bảo tàng đã tổ chức được hơn 958 buổi cho 45.097 lượt học sinh các nhóm gia đình và nhà trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, với sự tham gia của hàng trăm nghìn học sinh từ khối tiểu học, THCS đến THPT.

Với tổng số 619 buổi "Giờ học lịch sử" online dành cho 17.986 học sinh trên khắp mọi miền đất nước và cả 1 số học sinh Việt Nam ở nước ngoài đã cho thấy hiệu ứng và sự lan tỏa chất lượng của các chương trình giáo dục online này.

“Đây là hoạt động được bảo tàng kết hợp với nhà trường tổ chức thường xuyên và nội dung chương trình được xây dựng bám theo chương trình lịch sử phổ thông trong sách giáo khoa của học sinh. Đặc biệt, vào những dịp hè, số lượng học sinh (đặc biệt là nhóm trẻ em đi theo gia đình) đến bảo tàng tham gia các chương trình “Giờ học lịch sử” ngày càng đông. Điều đó, đòi hỏi những cán bộ giáo dục Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn phải trăn trở, đổi mới sáng tạo cách thức truyền tải và nội dung lịch sử để khiến các em không bị nhàm chán mà vẫn mong muốn và háo hức đến với bảo tàng”, bà Thủy cho hay.

Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh ảnh 7

Ngoài ra, hằng năm vào các dịp những ngày lễ lớn, hay những sự kiện trọng đại của đất nước, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp các bảo tàng tỉnh, các di tích trên địa bàn cả nước (Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang…) nghiên cứu, xây dựng và tổ chức các chương trình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại địa phương.

Điều này có giá trị lớn trong kết nối bảo tàng-di tích, tạo nên mạng lưới “giáo dục di sản” trong hệ thống bảo tàng, di tích để từng bước lan tỏa, nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục di sản cho thế hệ trẻ học đường trên phạm vi cả nước.

Ý tưởng xây dựng các chương trình học lịch sử online được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thử nghiệm từ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng nổ và được phát triển mạnh mẽ, hiệu quả trong thời gian giãn cách xã hội, thu hút đông đảo học sinh, trẻ em tham gia. Với hình thức này, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính/điện thoại thông minh có kết nối internet và được cán bộ bảo tàng cấp mã phòng học là có thể tham gia.

Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh ảnh 8
Nhiều tư liệu, hiện vật quý giá được trưng bày tại Bảo tàng.

"Hiện nay, hình thức kết hợp giữa online tour và chương trình giáo dục online với sự kết nối của giáo viên ở đầu cầu các trường học với cán bộ giáo dục ở đầu cầu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, thậm chí là với các đầu cầu của các bảo tàng tỉnh đã tạo ra chương trình học lịch sử cho học sinh tại các trường trên cả nước. Đây là hình thức đưa bảo tàng, di sản trên cả nước đến với trường học một cách sinh động, hấp dẫn mà lại tiết kiệm, hiệu quả", bà Phạm Thị Mai Thủy chia sẻ.

Là nơi lưu giữ những hiện vật, bảo vật-giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quốc gia, dân tộc và là trung tâm giáo dục “học tập suốt đời” cho đông đảo công chúng trong nước và quốc tế, trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia luôn chú trọng đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động giáo dục dành cho nhiều đối tượng công chúng khác nhau (trong đó chú trọng đến thế hệ trẻ) thông qua các mô hình, hình thức giáo dục trực tiếp và trực tuyến để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh học tập suốt đời trong bảo tàng.

Lan tỏa giá trị của những hiện vật, tư liệu chiến tranh ảnh 9

Các học sinh tìm hiểu về lịch sử.

Hướng tới kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và Quốc khánh 2/9 năm nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức các buổi tham quan chuyên đề về riêng sự kiện này, bên cạnh đó là các chương trình “Giờ học lịch sử” với chủ đề “Mùa thu cách mạng” dành cho các em học sinh, giúp các em hiểu và cảm nhận sâu hơn về sự kiện này.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng xây dựng và tổ chức triển lãm “Từ căn cứ địa cách mạng Cao Bằng đến chiến khu Việt Bắc-Thủ đô gió ngàn”, tại Di tích quốc gia đặc biệt Cao Bằng, dự kiến khai mạc dịp 2/9/2022.

Cùng với triển lãm là chương trình Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử” cùng chủ đề “Từ căn cứ địa cách mạng Cao Bằng đến chiến khu Việt Bắc-Thủ đô gió ngàn” sẽ được tổ chức dành cho học sinh THCS tại Pác Bó, Cao Bằng.

back to top