Lấn sông, chặn dòng chảy khi thi công dự án ở miền núi Quảng Ngãi

NDO - Hàng chục nghìn khối đất đá đổ ra sông chặn dòng chảy sông Liên, huyện Ba Tơ, nguy cơ gây sạt lở cho vùng cư dân ven sông và hạ lưu của tỉnh Quảng Ngãi. Chủ đầu tư, doanh nghiệp tự ý đổ thải ra sông lớn trong thời gian dài, nhưng ngành chức năng, chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
0:00 / 0:00
0:00
Khoảng 4.000 khối đất đá thải lấn dòng sông Liên tạo thành mặt bằng rộng lớn ngay ngã ba sông. (Ảnh ĐÔNG HUYỀN)
Khoảng 4.000 khối đất đá thải lấn dòng sông Liên tạo thành mặt bằng rộng lớn ngay ngã ba sông. (Ảnh ĐÔNG HUYỀN)

Hơn 13 nghìn khối đất đá đổ ra sông lớn

Nhiều tháng qua, trên công trường dự án Thủy điện Sông Liên 1, đơn vị thi công tập trung nhân lực hoàn thành tuyến kênh chính của thủy điện. Tuyến kênh chính dài 4km đã hoàn thành một số đoạn qua xã Ba Thành và đang tiếp tục khẩn trương thi công đoạn qua xã Ba Động, huyện Ba Tơ.

Tại đoạn kênh lớn dẫn nước của thủy điện thuộc thôn Trường An, xã Ba Động, trong quá trình đào khoét mương, hàng trăm xe ben vận chuyển 9.000 khối đất đá đổ ra sông Liên. Núi đất đá cao gần 10m đổ tràn từ bờ sông ra lòng sông khoảng 15m, hàng nghìn khối đất đá trải dài theo dòng sông khoảng 60m.

Do đất đá thải tràn lấn sông Liên, nên tại vị trí này dòng chảy uốn lượn tấp qua bên kia bờ sông, vượt qua núi đá chiều dài 60m trước khi trở lại với dòng chảy cũ của sông Liên.

Phía trên bờ sông, đất đá cao ngổn ngang tạo thành tuyến đường thi công cho xe qua lại vận chuyển thiết bị, máy móc dự án.

Lấn sông, chặn dòng chảy khi thi công dự án ở miền núi Quảng Ngãi ảnh 1

Trong quá trình đào khoét mương, đơn vị thi công đổ 9.000 khối đất đá ra sông Liên. Đất đá lấn dòng sông hơn 15m, nén dòng chảy sông Liên hẹp lại. (Ảnh ĐÔNG HUYỀN)

Cách núi đá này khoảng 2km, tại khu vực điểm cuối đường kênh dẫn nước thủy điện ở thôn Tân Long, xã Ba Động, một đồi đất mới hình thành tiếp tục đổ thẳng ra sông Liên. Khoảng 4.000 khối đất đá, vật liệu xây dựng do nhà thầu thi công tập kết, san ủi khu vực điểm cuối kênh thủy điện tiếp giáp sông Liên.

Đồi đất đá thải này cao khoảng 5m, đổ tràn lấp dòng sông Liên 20m, hàng nghìn khối đất đá trải dài theo dòng sông khoảng 40m tạo thành mặt bằng rộng lớn ngay ngã ba sông.

Cách đồi đất, đá thải khoảng 200m là cầu treo Tân Long, nối các vùng dân cư hai bờ sông Liên thôn Tân Long từ bao năm qua. “Cầu treo này bị lũ cuốn trôi năm 2014 rồi. Giờ đất đá đổ ra bờ sông gần cầu, thì trước sau gì lũ cũng cuốn trôi cả cầu lẫn đất đá xuống huyện Nghĩa Hành gánh hết. Dòng chảy ở đây lớn lắm”, anh Thanh Hùng thôn Tân Long, xã Ba Động lo lắng.

Để phục vụ xây dựng thủy điện Sông Liên 1, chủ đầu tư và nhà thầu vận chuyển hơn 13.000 khối đất, đá vật liệu thừa trong quá trình san ủi núi, nổ mìn đổ thẳng ra sông Liên ở xã Ba Động, huyện Ba Tơ.

“Chúng tôi làm đê quay bảo vệ không cho nước vào khu vực thi công. Tự đổ chứ không ai cho phép cả, không có giấy tờ gì. Đến tháng 6, chúng tôi di chuyển hết đất đá để không ảnh hưởng dòng sông”, ông Lê Thanh Tùng, Công ty Cổ phần xây dựng thủy lợi Bình Định, chỉ huy công trình thủy điện Sông Liên 1 phân bua.

Cần giám sát chặt chẽ, xử lý hành vi tác động môi trường

Dự án Thủy điện Sông Liên 1 có tổng vốn đầu tư 504 tỷ đồng, với 2 tổ máy công suất hoạt động 15MW, do Công ty TNHH Thủy điện Sông Liên làm chủ đầu tư.

Trên diện tích hơn 122ha, các hạng mục chính gồm hồ chứa, nhà máy thủy điện, đập đất, đập tràn, kênh dẫn, kênh xả và trạm biến áp xây dựng tại 2 xã Ba Động, Ba Thành huyện miền núi Ba Tơ.

Tập trung triển khai thi công từ tháng 5/2019, dự kiến cuối năm 2022, công trình sẽ vận hành, tuy nhiên, đến nay công trình ngổn ngang, nhiều hạng mục vẫn dở dang chưa hoàn thành.

Hơn 13.000 khối đất đá thải tạo thành núi đá lớn ven sông, triền sâu, có nguy cơ sạt lở đất rất lớn. Đồng thời, đất đá lấn dòng sông sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Liên, tác động đến môi trường sinh thái vùng núi và hạ du.

“Lẽ ra dự án chúng tôi đã xong và vận hành rồi, nhưng do khó khăn tài chính, vốn tăng lên, nên giờ vẫn chưa xong. Hồ sơ pháp lý chúng tôi đầy đủ. Chỉ còn 5ha chưa giao đất, nhưng do gấp nên chúng tôi vừa thi công vừa làm thủ tục. Chúng tôi ký hợp đồng thi công trọn gói cho nhà thầu nên họ chịu trách nhiệm những sai phạm”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty TNHH Thủy điện Sông Liên giải thích.

Lấn sông, chặn dòng chảy khi thi công dự án ở miền núi Quảng Ngãi ảnh 2

Núi đất, bãi thải vùng sông suối gây nguy hiểm cho cầu treo Tân Long và các công trình dân sinh khác của huyện Ba Tơ. (Ảnh ĐÔNG HUYỀN)

Có chiều dài 30km, sông Liên là một trong những dòng sông lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Là thượng nguồn của sông Vệ, sông Liên bắt nguồn từ vùng núi rừng phía tây nam Quảng Ngãi ở xã Ba Nam, Ba Lế, chảy qua các xã miền núi huyện Ba Tơ về vùng hạ lưu huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa.

Sống lâu năm hai bên bờ sông Liên, người dân ở đây cho biết, mùa mưa lũ vùng này nước dâng cao, lấn sâu vào làng, vùng dân cư ven sông.

Dòng chảy lớn cuốn trôi cầu, đường giao thông từ nhiều năm trước và nguy cơ sạt lở bờ sông ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, những bãi đất thải, đá xây dựng, vật liệu đổ tràn lan lấn 1/3 sông làm thay đổi dòng chảy, có thể làm sạt lở hai bên bờ sông và vùng hạ lưu huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi.

“Ngọn nước từ tuyến kênh xả thủy điện bên kia sông xối thẳng ra sông qua khu dân cư bên phía chúng tôi, mưa lũ trên thượng nguồn đổ xuống nước chảy qua bên này thì sạt lở phía bên này ngày càng lớn hơn. Thủy điện làm chúng tôi không thấy hỏi ý kiến gì, họ tự làm thôi”, ông Hồ Thanh Hương, xã Ba Động lo lắng.

Những bãi đất thừa, núi đá đổ ra sông trong thời gian dài, nhưng ngành chức năng, chính quyền sở tại không ngăn chặn, xử lý kịp thời. Ông Nguyễn Đức Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Ba Động cho hay: “Năm ngoái chúng tôi đã làm việc với công ty về đất thải rồi. Tôi không nắm là khối lượng bao nhiêu, khi nào ảnh hưởng nhà dân thì sẽ giải quyết”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết, huyện Ba Tơ chỉ đạo phòng ban chuyên môn kiểm tra thực tế, xác định hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý đúng pháp luật và yêu cầu phục hồi hiện trạng vùng ven sông Liên.

“Huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn các xã và nắm tình hình dư luận, phản ánh của người dân bị ảnh hưởng do xây dựng thủy điện để giải quyết kịp thời hơn”, ông Phạm Giang Nam khẳng định.

Không giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm thì tình trạng các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng thủy điện, hạ tầng giao thông các đổ đất đá, vật liệu xây dựng chặn dòng sông, suối sẽ tái diễn. Dòng chảy tự nhiên bị chặn nguy cơ sạt lở núi, sông suối và vùng dân cư, đô thị ở miền xuôi.

Tỉnh Quảng Ngãi là vùng chịu nhiều ảnh hưởng, thiệt hại thiên tai hàng năm. Mỗi năm, tỉnh Quảng Ngãi mất hàng trăm tỷ đồng khắc phục mưa lũ, sạt lở đất, di dời người dân đến vùng an toàn. Hệ lụy về an sinh xã hội khác dai dẳng nhiều năm ở các vùng núi cũng như hạ lưu những dòng sông lớn.