Nguy cơ sạt lở từ các bãi thải công trình ở miền núi Ba Tơ

NDO - Hàng nghìn nghìn khối đất, vật liệu dư thừa trong quá trình thi công công trình tại xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đổ tràn lan ra suối, lấn cầu treo và các công trình dân sinh khác. Đất đá từ các bãi thải nguy cơ gây sạt lở, nguy hiểm cho người dân sống triền núi, ven suối và vùng hạ lưu khi mùa mưa lũ đến.
0:00 / 0:00
0:00
Lo sợ sạt lở mùa mưa sắp đến, anh Phạm Văn Hồng trồng cây trên mặt bằng vườn nhà do đơn vị thi công san lấp.
Lo sợ sạt lở mùa mưa sắp đến, anh Phạm Văn Hồng trồng cây trên mặt bằng vườn nhà do đơn vị thi công san lấp.

Lấn suối đổ đất thải công trình

Sau một tháng xảy ra tình trạng đổ đất, đá dư thừa, khoảng vườn rộng gần hecta của anh Phạm Văn Tân, ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ cao như núi. Xe ủi, thiết bị của đơn vị thi công tranh thủ san lấp đất đá phía trước cổng để sớm hoàn thành việc đổ đất thải vườn nhà anh Tân và vườn người thân bên cạnh.

Anh Tân cho biết, căn nhà cũ của anh ở bên dưới triền núi, cách suối Nước Lô hơn 200m. Chung quanh là đất vườn, diện tích gần một hecta trồng keo từ nhiều năm qua. Hơn một tháng trước, đại diện chủ công trình thi công trung tâm xã cách nhà anh 500m, đến liên hệ vợ chồng anh xin đổ đất đá thừa lên vườn nhà. Để thuyết phục vợ chồng anh, phía nhà thầu cho thêm tiền để anh dỡ nhà cũ, đốt hạ vườn keo để làm bãi chứa đất thừa công trình. Hàng nghìn khối đất, đá nhỏ từ công trình chuyển đến đổ vào vườn nhà anh Tân ngay sau đó.

Khối lượng đất lớn đổ từ dưới suối lên ngang mặt đường chiều cao khoảng 7m. Không cắm mốc, khoanh vùng, đất đỏ tràn xuống lấn giữa dòng suối Nước Lô, nắn dòng chảy hàng trăm mét.

“Tui không chịu nhưng họ cho 6 triệu để dỡ nhà cũ cho họ đổ đất rồi làm lại. Cái nhà cũ dựng lại trên mặt bằng cao cũng sợ mưa trên núi cao đổ xuống sạt lở”, anh Tân băn khoăn.

Cách nhà anh Tân hơn 200m, anh Phạm Văn Hồng cùng con trai đang bám triền bờ đất đỏ trồng cây. Những bụi cây cắm tạm theo triền bờ đất vừa san ủi để ngăn không cho mặt bằng sụt lún trôi xuống suối.

Vườn chiều ngang hơn 30m, chiều dài hơn 50m là đất rừng sản xuất anh trồng keo từ nhiều năm qua. Năm ngoái, phía nhà thầu công trình liên hệ gia đình anh xin đổ đất thải lên vườn.

“Chị Xuân, chủ công trình xây dựng qua nhà xin mình đổ đất. Ban đầu xã không cho, sau mình xin thì xã cho. Đổ năm ngoái, giờ phải trồng cây lên chứ không đất sạt lở. Đất thải đổ lên không có chân bám nên dễ trôi khi mưa lớn về”, anh Hồng lo lắng.

Nguy cơ sạt lở từ các bãi thải công trình ở miền núi Ba Tơ ảnh 1

Đồi đất thải cao hơn cầu treo Nước Lô, nguy cơ cuốn trôi cầu khi mưa lũ về.

Nguy cơ sạt lở, ngăn dòng chảy từ các bãi chứa đất thải, vật liệu thừa

Giữa năm 2022, huyện Ba Tơ đầu tư xây dựng mới Trung tâm hành chính xã Ba Giang thuộc giai đoạn 2. Dự án gồm các công trình trụ sở ủy ban nhân dân xã, trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở Ba Giang, nhà văn hóa xã, khu đất dự phòng cùng hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước... Công trình trọng điểm xã miền núi có tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đạt ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi thi công.

Sau hơn 8 tháng triển khai, đến nay tổng khối lượng thi công đạt 70%. Để giải quyết khối lượng lớn đất, vật liệu thừa trong quá trình san lấp, xây dựng, huyện Ba Tơ bố trí 6 điểm tiếp nhận, lưu chứa. Tuy nhiên, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Ba Tơ thiếu giám sát, quản lý nên nhà thầu thi công đổ hàng trăm nghìn khối đất thừa ở các cụm dân cư, sông suối chung quanh.

Trên tuyến đường chính vào xã Ba Giang, cách trung tâm hành chính mới của xã 500m, nhiều điểm thải, bãi thải đất, vật liệu thừa mới hình thành. Các bãi thải đất đá lớn, nhỏ đổ từng đoạn dọc theo bờ suối Nước Lô kéo dài khoảng 700m. Nhiều bãi đất thải lấn ra lòng suối, thu hẹp dòng chảy tự nhiên. Tại đoạn cầu treo Nước Lô, núi đất vừa tập kết san ủi độ cao hơn 7m tràn đến chân cầu. Mặt bằng vừa đổ thải cao hơn cầu treo 2-3m, nguy cơ vùi lấp cầu nếu mưa lũ về.

“Đất mới đổ cao vậy mưa lớn là cuốn trôi hết, sợ trôi cả cầu luôn. Nhà dân phía dưới suối bị đất vùi thì sao”, anh Phạm Văn Tân lo lắng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Ba Tơ, khi lập dự án, đơn vị tư vấn, thiết kế đã lập hồ sơ về khối lượng, vị trí, địa điểm đổ thải. Khu vực, vị trí đổ thải có sự cho phép, xác nhận của chính quyền địa phương, người dân.

“Chúng tôi đã kiểm tra nhu cầu người dân cần đất san lấp là có, nhưng nhà thầu thi công đổ quá khối lượng, ảnh hưởng đến các công trình dân sinh khác. Chúng tôi đang xác định khối lượng, kiểm tra và yêu cầu đơn vị thi công phục hồi nguyên trạng, chuyển khối lượng đất dư thừa đi nơi khác”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Ba Tơ cho biết.

Vùng cao xã Ba Giang, huyện Ba Tơ là nơi thường xuyên có mưa lũ, sạt lở. Dự án xây dựng Trung tâm hành chính xã mới nhằm di chuyển khu hành chính cũ đến nơi mới an toàn hơn. Tuy nhiên, các nhà thầu, đơn vị thi công đổ đất đá thải tràn lan, vượt quá quy định lấn sông suối tạo thêm nhiều nguy cơ sạt lở mới đe dọa an toàn công trình, người dân xung quanh và vùng hạ lưu.

Tại các điểm đổ thải không được giám sát chặt chẽ, không có biện pháp phòng chống sạt lở thì nguy cơ sạt lở, nắn dòng gây lũ lớn cho dân cư sinh sống triền núi, ven suối.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, đặc thù miền núi ít có vị trí, khu vực bãi thải rộng. Vì vậy, đất thừa có thể tận dụng bồi đắp vùng xói lở, cho người dân nâng mặt bằng, cải tạo vườn. Tuy nhiên, việc thực hiện phải bảo đảm an toàn, đúng thiết kế, không ảnh hưởng các công trình dân sinh, gây nguy cơ sạt lở mùa mưa lũ. Kiểm tra ban đầu cho thấy khối lượng đất thải từ công trình đổ tràn xuống lấn lòng suối, ảnh hưởng công trình dân sinh khác.

“Huyện kiên quyết xử lý sai phạm chứ không bao che. Hiện, phòng ban đơn vị huyện kiểm tra, xác định khối lượng, sai phạm cụ thể để xử lý nhà thầu thi công. Ban quản lý dự án giải trình, xác định trách nhiệm giám sát, quản lý”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tơ khẳng định.