Các bác sĩ ghép gan cấp cứu cho người bệnh.
Các bác sĩ ghép gan cấp cứu cho người bệnh.

Hành trình trở thành đơn vị ghép gan lớn nhất cả nước

NDO - Là ca ghép gan đầu tiên được thực hiện thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau 6 năm được con trai hiến 60% lá gan phải, bà Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1962, Hà Nội) thấy cuộc sống vẫn đang như một giấc mơ. Bà Thanh là một trong 200 trường hợp được ghép gan thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong 6 năm qua. 200 người bệnh mắc bệnh lý gan mật đã được kéo dài sự sống với tỷ lệ sống 5 năm sau ghép đạt hơn 70%.

Ca ghép gan cấp cứu đầu tiên đã mở ra hy vọng mới

Gần 10 năm cơ thể diễn biến bất thường vì bệnh tắc ống mật dẫn tới xơ gan, teo gan, bà Thanh thấy cuộc sống trở nên tối tăm. Da bà mỗi ngày vàng đậm, chuyển đen sẫm, huyết áp tụt. “Bác sĩ bảo tôi chỉ có thể sống bằng giờ, bằng ngày”, bà Thanh kể.

Lúc bấy giờ, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chưa từng triển khai ca ghép gan cấp cứu, nhưng họ quyết tâm cần phải làm hết sức vì người bệnh. Toàn bộ gia đình bà Thanh xét nghiệm đều hòa hợp điều kiện hiến gan, nhưng con trai của bà – anh Hiên kiên quyết từ chối sự giúp đỡ của họ hàng. “Con sẽ hiến gan cứu mẹ”, Hiên nói với mẹ.

Thương con trai đứt ruột bấy giờ mới 25 tuổi, bà Thanh không dám nhận lời “Với tôi, con cái lúc nào cũng bé bỏng. Những năm trước, con cũng đã có ý định ghép thận cứu bố và giờ đây, con trai lại quyết tâm cứu mẹ dù phải cắt đi một lần lá gan”. Nhưng sự kiên quyết của Hiên đã khiến bà nghĩ lại, có thêm niềm tin vào cuộc đời mới.

Ngày 10/7/2017, bà Thanh được ghép gan cấp cứu. Bà được tái sinh một lần nữa với 60% lá gan phải được lấy từ chính con trai ruột. Nhiều ngày nằm hồi sức, nhìn cơ thể khỏe mạnh trở lại, người mẹ nhiều đêm rơi nước mắt, phần vì hạnh phúc được sống lại, phần vì thương cậu con trai hiếu thuận cũng đang hồi sức từng ngày. “Ngày được gặp con, tôi thấy mình thật sự yêu đời trở lại. Vì con trai, vì sự tận tâm chăm sóc của các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tôi phải sống khỏe, sống tốt".

Hành trình trở thành đơn vị ghép gan lớn nhất cả nước ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Thanh khỏe mạnh sau 6 năm được ghép gan.

Điều bà Thanh hạnh phúc nhất là 3 năm trước, cậu con trai đang làm tòa án đã lập gia đình, sống khỏe mạnh, béo tốt và đã chào đón cháu nội đầu tiên cách đây 2 năm. Đây là trường hợp ghép gan cấp cứu - một trong những kỹ thuật phức tạp bậc nhất trong chuyên ngành tiêu hóa-gan mật được triển khai thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Thành công của ca ghép gan từ người cho cùng huyết thống đã giúp cho các bác sĩ tại bệnh viện có thêm kinh nghiệm và tự tin để triển khai nhiều ca ghép tạng mới. Tính đến nay, bệnh viện đã tiến hành 65 ca ghép gan cấp cứu, cứu sống những bệnh nhân suy gan rất nặng.

Ngày 16/9/2020, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca ghép gan thành công đầu tiên từ người cho chết não. 12 bàn mổ với hàng trăm y, bác sĩ đã tiến hành lấy đa tạng và ghép đa tạng trong hơn 10 giờ đồng hồ.

Bệnh viện đã tổ chức thực hiện ghép gan thường quy hàng tuần, trung bình mỗi tuần 1-2 ca. Tần suất thực hiện các ca ghép tăng lên đáng kể, có tuần bệnh viện triển khai ghép 5 ca ghép gan, có ngày thực hiện 2 ca ghép.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai 40 ca ghép gan, là cơ sở y tế dẫn đầu ASEAN về ghép gan, đặc biệt là ghép gan từ người cho sống.

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Song
Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Chinh phục nhiều ca ghép gan khó

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh viện đã chinh phục nhiều kỹ thuật mới trong lĩnh vực ghép gan: Ghép gan cấp cứu, ghép gan theo kế hoạch, ghép gan lấy từ người hiến chết não, ghép gan lấy từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, ghép gan bất đồng nhóm máu.

Đặc biệt, bệnh viện đã ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi lấy mảnh gan ghép và ghép gan, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt với rất nhiều ca đặc biệt ghi những dấu ấn sâu sắc.

Hành trình trở thành đơn vị ghép gan lớn nhất cả nước ảnh 2

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát biểu tại hội thảo.

Tháng 11/2021, bệnh viện ghi dấu bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan trên bản đồ ghép tạng là lấy mảnh gan ghép (bên phải) bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống và tiến hành ghép gan thành công. Đây là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện là cơ sở y tế duy nhất triển khai kỹ thuật này với khoảng 20 trường hợp được thực hiện thành công.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai kỹ thuật ghép gan tương đương với nhiều cơ sở y tế nước ngoài trong khi đó, chi phí chỉ bằng 1/6, 1/7 so với các nước tiên tiến trên thế giới. Thí dụ như tại Singapore, hiện một ca ghép gan khoảng 8 tỷ đồng, chưa tính chi phí đi lại, ăn ở.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Khánh
Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam

Với phẫu thuật nội soi hỗ trợ trong ghép gan ở người nhận gan, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện được phẫu thuật nội soi cắt gan toàn bộ cho 8 trường hợp (kỹ thuật cắt gan toàn bộ, sau đó mở đường nhỏ trắng giữa trên rốn để đưa gan vào thực hiện các miệng nối mạch máu và đường mật; trong khi trước kia phải mở đường chữ J là đường mổ lớn). Trên thế giới đã thực hiện thành công hơn 20 trường hợp phẫu thuật nội soi ghép gan toàn bộ ở người nhận.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, đây là bước đầu tiên giúp hoàn thiện kỹ thuật, chuẩn bị cho thực hiện phẫu thuật nội soi ghép gan toàn bộ ở người nhận trong thời gian tới. Đây là kỹ thuật mới ở Việt Nam và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là nơi đầu tiên triển khai kỹ thuật này.

Hành trình trở thành đơn vị ghép gan lớn nhất cả nước ảnh 3

Ca ghép gan bất đồng nhóm máu giữa người hiến gan và người nhận đầu tiên được bệnh viện triển khai thành công.

Ngày 30/10 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiến hành ghép gan cho nữ bệnh nhân 16 tuổi, quê ở Quảng Bình. Đây là ca ghép gan bất đồng nhóm máu giữa người hiến gan và người nhận (người hiến là bà nội của bệnh nhân) đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Thiếu tướng Lê Hữu Song cho biết, tại Việt Nam, ghép tạng từ nguồn cho bất đồng nhóm máu ABO đã được thực hiện trên bệnh nhân ghép thận và trên nhóm ghép gan ở trẻ em, tuy nhiên trên nhóm bệnh nhân lớn tuổi hơn thì cần quy trình điều trị ức chế miễn dịch trước ghép chặt chẽ hơn. Mặc dù miễn dịch của người lớn phức tạp hơn ở trẻ em và lượng bệnh nhân ghép gan ngày càng tăng, nguồn gan hiến hạn chế, từ đó, việc triển khai ghép gan bất đồng nhóm máu giúp tăng cơ hội sống cho người cần được ghép gan.

Sau hơn 6 năm thực hiện đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người” tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đến nay đã ghép được 8/11 loại mô tạng với trên 800 ca ghép (308 ca ghép thận, 204 ca ghép gan, 3 ca ghép phổi, 18 ca ghép giác mạc, 219 ca ghép tế bào gốc điều trị đột quỵ và xơ gan mất bù, 52 ca ghép tủy, 3 ca ghép chi thể…). Các ca ghép được thực hiện với tỷ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên thế giới, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc.

Tiếp tục chinh phục những đỉnh cao trong lĩnh vực ghép mô tạng

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 Lê Hữu Song cho biết, có được những thành công về ghép gan, ghép mô tạng trên đây là do các nhà khoa học, thầy thuốc của bệnh viện đã nỗ lực, cố gắng, được sự quan tâm chăm lo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, sự hợp tác của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, Hội Ghép tạng Việt Nam và sự hy sinh cao cả của người hiến tạng và gia đình bệnh nhân.

Hành trình trở thành đơn vị ghép gan lớn nhất cả nước ảnh 4

Lãnh đạo bệnh viện cung cấp thông tin báo chí.

Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện từ 40-50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu đạt 100-150 ca/mỗi năm. Chi phí ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối ở nước ta.

"Trong thời gian tới, bệnh viện chúng tôi tiếp tục triển khai ghép gan cấp cứu; thực hiện thường quy kỹ thuật lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống bằng phẫu thuật nội soi; thực hiện cắt toàn bộ gan người nhận bằng kỹ thuật nội soi tiến tới triển khai kỹ thuật ghép gan bằng phẫu thuật nội soi; đẩy mạnh ghép bất đồng nhóm máu để tăng nguồn hiến gan;…", Thiếu tướng Lê Hữu Song cho biết.

Mục tiêu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về phát triển ghép mô bộ phận cơ thể người đến năm 2025 là hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tiên tiến hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Hành trình trở thành đơn vị ghép gan lớn nhất cả nước ảnh 5

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chinh phục nhiều đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng.

Hiện nay, cả nước ta có 9 trung tâm ghép gan, đã thực hiện ghép gan cho hơn 500 bệnh nhân. Riêng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công trên 200 ca ghép trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc (tính đến ngày 24/11/2023, bệnh viện đã ghép 204 ca), đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (202 ca).

back to top