Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh

NDO - Ngày 25/11, trong khuôn khổ Techfest-Whise 2023 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các đơn vị liên quan phát động cuộc thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1, năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh lễ phát động.
Quang cảnh lễ phát động.

Cuộc thi do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố chủ trì phối hợp cùng Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Trong đó, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ là đơn vị thường trực triển khai phối hợp tổ chức cùng Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao.

Phát biểu tại lễ phát động, Tiến sĩ Lê Quốc Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data),…

Ngành công nghiệp này cũng là hạt nhân của công nghiệp điện tử, tạo ra vi mạch và linh kiện, sản xuất các sản phẩm từ phức tạp như siêu máy tính đến hàng điện tử dân dụng đơn giản, hạ giá thành và làm tăng chức năng hoạt động của tất cả các hệ thống điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, tự động hóa...

“Sự thành công của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là “giá đỡ” cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử nói riêng và nền kinh tế nói chung”, Tiến sĩ Lê Quốc Cường nhấn mạnh và thêm rằng, công nghiệp vi mạch bán dẫn đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thay thế cho mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên trước đây.

Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh ảnh 1

Nghi thức phát động cuộc thi

Tiến sĩ Lê Quốc Cường cũng cho biết, ngành vi mạch hiện có ba loại hình kinh doanh gồm: phần mềm thiết kế, sản xuất và đóng gói, thiết kế vi mạch. Trong đó, thiết kế vi mạch là công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao nhất (khoảng 50%) và có doanh thu lớn nhất. Công đoạn lắp ráp, đóng gói chiếm giá trị thấp nhất, khoảng 6%.

Theo đó, Việt Nam kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn lên tầm cao mới, chú trọng vào thiết kế vi mạch thay vì gia công như hiện tại.

Cuộc thi Thiết kế Vi mạch cho đô thị thông minh lần 1, năm 2023 là cuộc thi thường niên được tổ chức hằng năm. Qua cuộc thi này, ban tổ chức mong muốn trở thành cầu nối thực sự, tạo cơ hội, điều kiện để tiếp nhận những ý tưởng, thiết kế và thực hiện các sản phẩm vi mạch đến từ các bạn sinh viên, học viên tại các trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc.

Từ đó, góp phần phát triển ngành vi mạch Việt Nam với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, năng động sáng tạo và lan tỏa, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch điện tử đến tất cả các tri thức trẻ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Thời gian tổ chức cuộc thi từ tháng 11/2023 đến tháng 6/2024. Dự kiến, vòng sơ loại diễn ra tháng 12/2023; vòng chung kết và lễ tổng kết trao giải diễn ra vào tháng 6/2024.