Lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm

NDO -

Đó là thông tin được Cục trưởng Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ cung cấp tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, sáu tháng đầu năm 2020. 

Họp báo Công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế, xã hội TP Đà Nẵng sáu tháng đầu năm 2020.
Họp báo Công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế, xã hội TP Đà Nẵng sáu tháng đầu năm 2020.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp thế giới, nền kinh tế Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sáu tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so cùng kỳ năm 2019, đây là lần đầu tiên kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào tháng 1-1997.

Trong mức sụt giảm của toàn nền kinh tế thành phố, khu vực dịch vụ giảm mạnh nhất với 4,62%; công nghiệp và xây dựng giảm 1,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 2,4%; nông, lâm nghiệp và thủy sản là lĩnh vực duy nhất tăng trưởng ở mức 2,28%.

Quy mô kinh tế sáu tháng ước đạt 51.072 tỷ đồng, giảm 917 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực dịch vụ giảm mạnh nhất với 758 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng 261 tỷ đồng; riêng nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 114 tỷ đồng so cùng kỳ.

Kinh tế Đà Nẵng xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, giảm một bậc so giai đoạn 2016-2019; chiếm 1,36% trên tổng GDP của cả nước, giảm 0,07 điểm so giai đoạn 2017-2019 (giai đoạn 2017-2019, GRDP Đà Nẵng chiếm 1,44%/GDP cả nước).

Theo đánh giá của Cục Thống kê Đà Nẵng, kinh tế thành phố đang đứng trước những thách thức, bởi những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho tăng trưởng đã chịu tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19. Tăng trưởng của một số địa phương được cho là đầu tàu, đóng góp chủ yếu vào toàn nền kinh tế Việt Nam cũng đang chịu áp lực rất lớn, nhiều địa phương có mức tăng trưởng thấp.

Trong số năm tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền trung, Đà Nẵng là một trong hai địa phương có mức tăng trưởng âm, còn trong khối năm thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng là địa phương duy nhất có mức tăng trưởng âm. Xét trên phạm vi cả nước, Đà Nẵng là một trong số 12 tỉnh, thành phố kinh tế sáu tháng đầu năm 2020 có mức tăng trưởng âm.

Đà Nẵng lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng âm -0 

Cùng với kinh tế, tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Kết quả sơ bộ điều tra lao động - việc làm thì tỷ lệ thất nghiệp chung toàn thành phố trong sáu tháng đầu năm là 7,24%; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 7,55% (cùng kỳ 2019, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi là 2,98%).

Tính đến 19-5-2020, toàn thành phố có khoảng 179 nghìn lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có 12,6 nghìn lao động mất việc làm; 59,6 nghìn lao động tạm ngừng việc, nghỉ không hưởng lương; 106,8 nghìn lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và hơn 24 nghìn hộ kinh doanh bị ảnh hưởng.

Tại buổi họp, đại diện các sở, ngành có liên quan và Cục Thống kê Đà Nẵng đã trao đổi, trả lời các câu hỏi do đại diện các cơ quan báo chí đặt ra có liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội sáu tháng đầu năm cũng như những thách thức và giải pháp cho phát triển kinh tế, xã hội thành phố sáu tháng cuối năm 2020.

Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn TP sáu tháng qua tăng cao bởi tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến nhiều doanh nghiệp ngừng hoặc đình trệ sản xuất. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… bị “đóng băng” do các nước thực hiện giãn cách xã hội, không nhập khẩu hàng từ các nước khác đến. Đây cũng là lý do khiến vị trí việc làm bị thu hẹp, người lao động mất việc làm cao.

Trong khi đó, theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn vẫn bảo đảm các hoạt động cho vay, kịp thời hỗ trợ vay vốn cũng như giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể theo chủ trương của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đà Nẵng đang xây dựng ba kịch bản về phát triển kinh tế - xã hội thành phố sáu tháng cuối năm. Với quyết tâm chính trị, sự đồng lòng của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, Đà Nẵng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2020, cũng như kế hoạch năm năm 2016-2020. Trong đó, tập trung giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tiếp tục triển khai các chương trình an sinh xã hội, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.