Lần đầu công bố bộ sưu tập tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm tại Đà Lạt

NDO - Lần đầu tiên các tác phẩm của danh họa thời mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Tư Nghiêm được triển lãm tại Đà Lạt. Các bức tranh 12 con giáp được tuyển lựa lần này thuộc bộ sưu tập riêng của pianist Trần Lê Bảo Quyên.
0:00 / 0:00
0:00
Canh Thìn, tranh họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ năm 2000.
Canh Thìn, tranh họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ năm 2000.

Những phát hiện mới về tranh Nguyễn Tư Nghiêm

Các tác phẩm 12 con giáp của một trong bộ tứ danh hoạ thời mỹ thuật Đông Dương lần đầu tiên được giới thiệu tới người xem trong Triển lãm “Nguyễn Tư Nghiêm, đối thoại với nhạc cổ điển phương Tây”, thuộc khuôn khổ Lễ hội âm nhạc cổ điển Đà Lạt 2024.

Sự kiện có những điều trùng lặp thú vị: lần đầu tiên một lễ hội âm nhạc cổ điển được tổ chức tại Việt Nam, bộ sưu tập tranh 12 con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm lần đầu tiên được công bố tại Đà Lạt, đồng thời là lần đầu tiên được vén mở những giá trị đương đại.

Giám tuyển Nguyễn Như Huy cho biết: “Đây là triển lãm một danh họa Đông Dương, song không phải chỉ để tạo ra một không gian thẩm mỹ, mà đặc biệt để tạo ra một không gian đối thoại liên văn hoá và liên nghệ thuật về các chủ đề triết học, văn hoá thị giác và con người”.

Chính vì thế, theo giám tuyển Nguyễn Như Huy, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm trong triển lãm này không xuất hiện như danh họa “vang bóng một thời". Ông hiện diện với tư tưởng và các vấn đề thị giác đương đại. Ở góc độ này, triển lãm tiên phong trong việc đề xướng một góc nhìn giám tuyển mới về các bậc thầy quá khứ, đặc biệt là nhóm các họa sĩ thời Đông Dương.

Lâu nay, góc nhìn cũ mang tính hoài niệm khiến công chúng chỉ biết đến giá trị thương mại và giá trị lịch sử của họ. Những lớp văn hoá, tư tưởng nếu có được đề cập tới sẽ luôn bị đặt ở chiều lùi của thời gian và biến thành trầm tích dù thời đại của họ cách chúng ta chưa đầy thế kỷ.

Trong khi ấy, giám tuyển Nguyễn Như Huy khẳng định, tranh Nguyễn Tư Nghiêm mang giá trị đương đại bền vững trong mối quan tâm và những đối thoại chưa bao giờ ngưng nghỉ nơi các tác phẩm của ông về con người. Điều này càng thấy rõ hơn khi soi chiếu vào cách ông thực hành nghệ thuật trong giai đoạn nửa sau cuộc đời.

Không hề ngẫu nhiên khi danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm về cuối đời chọn giấy dó làm chất liệu sáng tác chủ yếu. Giấy dó và bột màu và sự đối lập với nghệ thuật sơn dầu phương Tây.

Giấy dó với đặc tính xốp, thấm màu, khô nhanh đòi hỏi họa sĩ khi thao tác buộc phải nhập một vào cùng chất liệu. Với giấy dó, họa sĩ không có đủ thời gian để tính toán, dàn xếp, không thể cạo rửa rồi vẽ lại như vẽ sơn dầu, không sửa được, không làm lại được. Quá trình vẽ vì thế mang tính trực thời - ngay ở đây, lúc này, bây giờ. Đó cũng là tâm thức thời gian phương đông: thời gian không phải là một thực hữu khách quan mà luôn gắn bó mật thiết với hiện hữu của con người.

Khi Nguyễn Tư Nghiêm chọn giấy dó, ông chọn trở thành chính nguồn cội Á Đông của mình theo cách sáng tạo nhất. Trong “hệ sinh thái” bột màu, màu nước, giấy dó này, Nguyễn Tư Nghiêm phục hồi lại bản tính gốc của nghệ thuật, tức không phải một thực hành sản xuất thẩm mỹ hiện đại mà như một thao tác tâm linh hoá thế giới.

“Ta có thể thấy rõ sự thật này, chẳng hạn, thông qua đề tài con giáp mà Nguyễn Tư Nghiêm là hoạ sĩ Việt Nam đầu tiên đề hóa nó. Ông luôn bắt đầu một năm mới theo lịch Âm bằng thực hành vẽ màu nước hay bột màu trên giấy dó các con giáp đại diện cho từng năm Âm lịch đó.

Thực hành lặp đi lặp lại này vào đầu các năm Âm lịch - khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao lặp đi lặp lại giữa năm cũ và năm mới, với tôi, đã không còn là thực hành nghệ thuật theo cách hiểu hiện đại phương Tây. Đây chính là hành vi vẽ bùa và tinh thần hóa, tức nhắm tới việc khả kiến hóa các mối quan hệ tinh thần vô hình để qua đó mang lại năng lượng tốt đẹp vào năm mới cho mọi người”, giám tuyển Nguyễn Như Huy phân tích.

Dưới góc nhìn này, Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ là một nghệ sĩ bậc thầy mà còn là một vị thầy bùa, cũng đồng thời đang chơi một trò chơi con trẻ, ngẫu nhiên, nguệch ngoạc với nghệ thuật.

Đối thoại Nguyễn Tư Nghiêm và nhạc cổ điển phương Tây

Các tác phẩm tranh giấy dó 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm trong triển lãm lần này nằm trong bộ sưu tập cá nhân của nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên, chắt ruột nhà văn Nguyễn Tuân (cha của bà Thu Giang, vợ danh họa Nguyễn Tư Nghiêm).

Lần đầu công bố bộ sưu tập tranh 12 con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm tại Đà Lạt ảnh 1

Nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên.

Việc quyết định giới thiệu bộ sưu tập tới công chúng trong không gian của âm nhạc cổ điển được nữ nghệ sĩ xem là cơ hội để đối thoại với bậc tiền bối của gia đình, và qua đó khai mở những chiều kích mới trong chính bản thân khi theo đuổi nghệ thuật phương tây trong bối cảnh văn hoá - xã hội phương đông.

Triển lãm sẽ đi kèm với hai buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển của nghệ sĩ Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến trong không gian trưng bày, xét như sự đối thoại trực tiếp với các tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm. Một buổi vào ngày khai mạc triển lãm 10/3, một buổi vào ngày kết thúc triển lãm 18/3.

Cuộc đối thoại giữa tranh giấy dó, bột màu, màu nước vẽ con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm và nhạc giao hưởng được mong đợi là sự kiện thú vị, chưa từng có tiền lệ. Một bên đại diện cho nghệ thuật phương tây, quan niệm thời gian phương tây, trọng tính chính xác, khoa học. Một bên là không gian phương đông, thời gian phương đông với hệ thức thời gian độn giáp, con người và thời gian là nhất thể và sự hoà hợp với nhịp vũ trụ được xem là đạo.

Thông qua cuộc đối thoại, công chúng có cơ hội tiến đến một nấc thang cao hơn trong thưởng lãm nghệ thuật, đó là truy vấn các vấn đề văn hoá và con người của hiện tại bằng tư tưởng và các cách đặt vấn đề thị giác của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.