Nguyễn Tư Nghiêm - nhân vật đồ sộ và sâu sắc của hội họa

"Cánh chim hồng hộc đã mất dạng trong cao xanh ở cuối trời để lại trên đó đường bay bất tận huyền diệu và lòng ngưỡng mộ”. Một tứ thơ bất chợt về sự ra đi (hay trở về) của Nguyễn Tư Nghiêm. Thi nhân, nghệ sĩ có mấy loại thần họa, thánh họa, tâm họa và ngôn họa thì ông thuộc hạng thứ nhất chăng.

Nguyễn Tư Nghiêm - nhân vật đồ sộ và sâu sắc của hội họa

Xuất thân từ gia đình trí thức khoa bảng, theo cách mạng từ rất trẻ và làm nghệ sĩ thuần túy triệt để đến cùng, (đời) hội họa của Nguyễn Tư Nghiêm đầy đủ hài hòa cả ba phẩm chất ấy. Mỹ thuật Việt Nam thường mang tiếng ít chất triết, trí tuệ, nặng cảm và tình cho đến khi gặp “tranh Nghiêm”. Có thể không nặng nho học như Nguyễn Phan Chánh, không giỏi Tây học như Tô Ngọc Vân, nhưng tranh ông, con người ông tự nhiên hội đủ hai thứ học ấy, mà chúng không phải đối đầu, kết hôn hay sàng lọc lẫn nhau. Cảm thức tâm linh tam giáo bàng bạc trong miên man các bức tranh sơn mài, giấy dó, càng làm chất trí tuệ nhuốm mầu huyền ảo, có thể khiến người ta sùng kính khi thưởng thức kiểu như các tranh thờ đã thành cổ điển của dân gian.

Phong cách tân tả chân và ấn tượng của Trường Mỹ thuật Đông Dương, mà ông là sinh viên giỏi từ năm 1941 đến 1945, được khắc phục khá cực đoan ngay trong những tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa đầu tiên của ông, mà Con nghé quả thực và Giao thừa bên Hồ Gươm là đỉnh cao khó với tới. Liền sau đó từ những năm 1960 đến 1970 ông tự khai hoang, tạo dựng một lãnh địa nghệ thuật rộng lớn với loạt tranh theo các chủ đề Trẻ em chơi - Điệu múa cổ - Thánh Gióng - Kiều và Những con giống trên chất liệu sơn mài và giấy dó. Dấu ấn hiện đại chủ nghĩa cụ thể là lập thể và trừu tượng rõ rệt nhất. Nhưng rõ hơn, sâu hơn là dấu triện vàng son và dung dị của nghệ thuật Đông Sơn, nghệ thuật Đình Chùa Làng và nghệ thuật dân gian từ Bắc Bộ đến Tây Nguyên. Họa sĩ đi con đường hiện đại hóa của hầu hết các danh họa hiện đại là: trở về càng sâu càng xa càng tốt với quá khứ, kỷ niệm, di sản biểu hiện thị giác của dân tộc, cộng đồng, miền đất, khí hậu, tâm và thần địa phương…

Vấn đề là sự trở về đó phải được nội giới hóa, để nó từ trong người mình mà đi ra, chứ không phải đứng ngoài mà nhìn vào dò xét, đứng trong hiện tại mà nuối tiếc quá vãng. Tính chất cách mạng trong hội họa Nguyễn Tư Nghiêm hấp dẫn ít nhất ba thế hệ họa sĩ Việt Nam. Vẽ giống ông thì lộ ngay, bắt chước ông rất khó, nhưng ảnh hưởng từ ông rất khó tránh. Trẻ em chơi - bất tận các phương án khác nhau với vô số nhân vật khác nhau, nhưng không ai để ý chúng là ai, chơi ở đâu, chơi cái gì (như phần lớn tranh tả chân đèm đẹp cùng thời). Nó là một biểu tượng hạnh phúc bình dị, sự tự do và hồn nhiên, là những thứ người lớn đều khao khát. Những người trong chiến tranh càng khao khát hơn.

Điệu múa cổ không là giấc mộng thiên thai như Nguyễn Gia Trí, liêu trai như Lê Phổ hay duyên dáng điệu đà kiểu Tô Ngọc Vân. Nó là điệu múa của đường nét, mầu sắc của các nàng tiên - thôn nữ, tức các cô gái biến thành ngọc nữ trong hội hè và trên ban thờ. Nó thành biểu tượng khái quát của cái đẹp như Thánh Gióng vung roi trên tuấn mã trong không gian cổ kính Đông Sơn, là biểu tượng của tính anh hùng, là bản hùng ca chiến thắng. Kiều và nhất là các con giống từ con thật như chó, dê tới con rồng huyền hoặc, đều biểu trưng của thân phận, số phận. Các con giống là vòng luân chuyển bất tận của các thế lực tự nhiên xã hội, mà chi phối mỗi người như siêu nhiên. “Tranh Nghiêm” hầu như luôn tượng trưng, khiến mỗi loại/loạt có tính thể loại, mà không thể xếp vào thể loại vốn có nào trong hội họa (như lịch sử, tĩnh vật, sinh hoạt, phong cảnh…).

Vượt sang bên kia đường viền của sự mô tả, kể chuyện hay trình bày một nhân vật, một sự kiện, một tình huống hay một nét tâm lý, tính cách cụ thể hội họa của ông, tự mỗi tác phẩm là một trạng thái, một quá trình mà người xem tham dự. Bức tranh không phải là đại diện, mô phỏng hay tấm gương phản ánh cái gì. Nó là một vật được sáng tạo ra như một cái cây, một sinh vật có sự sống của tự nó. Điều này khiến nghệ thuật của ông có thể được xếp gọn trong triết lý của chủ nghĩa hiện đại. Tính Việt Nam tiêu biểu trong tranh của ông đã vượt qua biên giới địa lý, trở thành quốc tế đúng nghĩa.

Ở tầm cỡ không biên giới ấy, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm hiện ra như một họa sĩ độc đáo, với ngôn ngữ nghệ thuật không thể lẫn. Đó là sự độc đáo về mầu sắc: vừa vẽ ra đã thành cổ kính, rất thân quen như cánh sen, cổ vịt, hoa hòe, huyết dụ, cánh chả, bã trầu, thanh thiên… trong dân ca; vừa lộng lẫy hoàng cung, uy nghi đình chùa tháp. Hệ thống nét cũng độc nhất vô nhị, với các nét thẳng và cong, ngắn và dài luôn đổi hướng, luồn lách, chồng lấp hô ứng lẫn nhau, như các bè nhạc cụ của dàn giao hưởng. Và cái hấp dẫn nhất là kết cấu tác phẩm luôn chặt chẽ, để biến hóa, khiến trong hàng trăm bức tranh cùng một loại, một chủ đề, một mô-típ, mỗi bức đều riêng biệt, khác nhau. Có lẽ trong lịch sử ngôn ngữ nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20, Nguyễn Tư Nghiêm là nhân vật đồ sộ và sâu sắc sẽ còn được nghiên cứu và viện dẫn lâu dài nhất.

Suốt cuộc đời dài gần trọn một thế kỷ, Nguyễn Tư Nghiêm luôn vẽ, chỉ vẽ với nội lực phi thường. Ông hầu như không xuất hiện, không tuyên ngôn, không vướng bận gia đình, mà sống với tranh như thiền sư với vườn thiền, như bậc cao tăng với lâm tuyền. Sự chăm sóc đối với con người và di sản nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm của bà Thu Giang (con gái người bạn văn chương Nguyễn Tuân của ông) là món quà tặng, niềm an ủi đáng quý để họa sĩ thanh thản “hành đạo” đến tận những ngày giờ cuối. Ông chỉ ngự trong “lãnh địa” của mình, nhưng xã hội và không gian nghệ thuật của cả ba trào lưu Mỹ thuật Đông Dương, Hiện thực xã hội chủ nghĩa và Đổi mới đều luôn chịu tác động từ mọi hành vi nhất cử nhất động, mỗi thành tựu và thông điệp, quan niệm nghệ thuật qua mỗi loạt tranh của họa sĩ. Di sản của Nguyễn Tư Nghiêm là con đường xa với những đỉnh cao mà phong cảnh luôn đổi thay ngoạn mục. Báu vật của thời gian.

Kính ngưỡng hương hồn danh họa đã trở về ngôi!