Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời

NDO -

NDĐT – Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, người cuối cùng của bộ tứ trụ thứ hai trong nền hội họa Việt Nam "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái" đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10 giờ 27 phút sáng nay tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 94 tuổi.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922 tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. (Theo một số tài liệu là ông sinh năm 1918, tuổi Mậu Ngọ như đã thể hiện trong rất nhiều tranh vẽ ngựa và con giáp Ngọ về sau này). Cha ông là cụ Phó bảng Nguyễn Tư Tái, đỗ cùng khoa thi với cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ông học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941 - 1946). Lúc đang học năm thứ 3, ông đã gây chú ý của giới hội hoạ với bức tranh sơn dầu Người gác Văn Miếu giành được giải nhất tại Salon Unique năm 1944.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông giảng dạy tại Trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc. Ông cũng có thời gian giảng dạy tại Trường Mỹ Nghệ Hà Nội (1959 – 1960).

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm mạnh về sử dụng chất liệu sơn mài, bột màu, giấy dó, với đề tài là Gióng, Kiều, 12 con giáp, những điệu múa cổ, và cảnh làng quê… Ông từng giành được nhiều giải thưởng cao quý như giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc các năm 1944, 1948, 1957, Triển lãm Quốc tế nghệ thuật hiện thực ở Sophia (Bulgaria) năm 1985…

Năm 1996, họa sĩ vinh dự được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm qua đời ảnh 1

Tác phẩm "Gióng" của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Tên tuổi của họa sĩ được Họa sĩ được giới chuyên môn trang trọng xếp vào nhóm “tứ trụ” thế hệ thứ hai của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, bao gồm các danh họa "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái". Cùng với nhóm "tứ trụ" thứ nhất ( Nguyễn Gia Trí - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân - Trần Văn Cẩn), họ là những gương mặt tiêu biểu cho thành tựu, cũng như các phong cách đặc trưng của hội họa Việt Nam trong giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 tới nay.

Vợ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là bà Thu Giang, con gái cố nhà văn Nguyễn Tuân. Bà cũng là người lưu trữ, gìn giữ nhiều tác phẩm quý giá của họa sĩ. Mong mỏi của họa sĩ và gia đình là có thể thành lập được một bảo tàng tranh nho nhỏ của mình.

Tang lễ họa sĩ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 11 giờ 15 phút ngày 17-6 và truy điệu hồi 12 giờ 45 phút cùng ngày. Ông được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ và an táng tại khu A, Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.