Làm rõ việc xây dựng ba lò đốt rác hoạt động không hiệu quả ở Sóc Trăng

Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tỉnh Sóc Trăng được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư xây dựng ba lò đốt rác thải, nhằm bảo đảm công tác vệ sinh môi trường nông thôn. Nhưng khi đưa vào hoạt động, các công trình này chẳng những không phát huy hiệu quả, mà còn thải ra những chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân địa phương bức xúc từ nhiều năm nay.

Lò đốt rác thị xã Ngã Năm (xã Tân Long, thị xã Ngã Năm).
Lò đốt rác thị xã Ngã Năm (xã Tân Long, thị xã Ngã Năm).

Năm 2014, tỉnh Sóc Trăng đầu tư gần tám tỷ đồng xây dựng ba lò đốt rác có quy mô lớn ở hai huyện Long Phú, Châu Thành và thị xã Ngã Năm. Ðược biết, lò đốt rác huyện Long Phú được thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Tân Thạnh và các xã lân cận trong phạm vi bãi rác với diện tích 1.493 m2, có công suất thiết kế từ 6 đến 8 tấn rác/ngày; lò đốt rác huyện Châu Thành được thực hiện xử lý rác thải trên địa bàn huyện trong phạm vi bãi rác xã Thuận Hòa, với diện tích 12.852 m2, công suất thiết kế 12 tấn rác/ngày. Hai lò đốt rác này được nghiệm thu và đưa vào vận hành từ tháng 10-2014. Riêng lò đốt rác ở thị xã Ngã Năm được thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã đặt trong phạm vi bãi rác xã Tân Long, với diện tích 8.706 m2, công suất thiết kế 12 tấn rác/ngày. Lò đốt rác này chưa được cơ quan chức năng kiểm định quy chuẩn kỹ thuật, nhưng nhà đầu tư vẫn cho nghiệm thu và đưa vào vận hành từ tháng 8-2015.

Theo Sở TN và MT tỉnh Sóc Trăng, cả ba lò đốt rác nêu trên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận thiết bị lò đốt chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn và được thiết kế, đầu tư theo Quy chuẩn bảo vệ môi trường QCVN 30:2012/BTNMT. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, các lò đốt rác này bộc lộ nhiều yếu tố không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, trong quá trình vận hành, công nhân chưa thực hiện đúng theo quy trình (phân loại rác, cào tro đáy lò, phơi rác…); một số thiết bị lò đốt bị hư hỏng không được bảo trì, khắc phục như: đồng hồ đo nhiệt độ, ống khói lò, mái che, sân phơi… Ðiều lo ngại nhất, khi Trung tâm Kiểm nghiệm CASE lấy mẫu phân tích khí thải của các lò đốt rác này thì phát hiện chất đi-ô-xin cao hơn nhiều lần mức cho phép.

Báo cáo UBND tỉnh, ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận: Lò đốt rác sinh hoạt tại huyện Long Phú, trung bình mỗi ngày chỉ đốt khoảng 500 kg rác, còn rất thấp so quy mô công suất. Về thông số kỹ thuật, đối với chiều cao ống khói thải của lò hiện tại là 8 m thấp hơn so Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT là 20 m tính từ mặt đất; nhiệt độ buồng đốt thứ cấp chế độ định mức là 8500C, thấp hơn so quy chuẩn là 9500C. Lò đốt rác sinh hoạt tại huyện Châu Thành, trung bình đốt khoảng 12 đến 14 tấn/ngày, nhưng về thông số kỹ thuật thì chiều cao ống khói thải của lò chỉ đạt 15 m, thấp hơn quy định 20 m; nhiệt độ buồng đốt cũng thấp hơn so quy định. Ngoài ra, lò đốt rác tại huyện Long Phú còn có hai thông số vượt quy chuẩn cho phép là chất CO vượt 6,2 lần và tổng đi-ô-xin/furan vượt 10,57 lần; tương tự lò đốt rác huyện Châu Thành cũng có hai thông số vượt quy chuẩn cho phép, đó là bụi vượt 2,49 lần, tổng đi-ô-xin/furan vượt 16,41 lần. Lý giải vấn đề này, ông Trần Văn Thanh cho rằng, do khi triển khai đầu tư mô hình thì Bộ TN và MT chưa ban hành QCVN 61-MT:2016/BTNMT cho nên có một số thông số chưa đạt. Tuy nhiên, nếu so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước đây (QCVN 30:2012/BTNMT) thì các lò đốt rác này cũng chưa đạt quy chuẩn.

Nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN và MT (Sở TN và MT tỉnh Sóc Trăng) Mai Thi cho biết: Theo nguyên tắc, các lò đốt rác sinh hoạt phải bảo đảm việc đốt rác liên tục để có nhiệt độ thấp nhất từ 10000C trở lên để tiêu hủy hết chất độc; rác trước khi đưa vào lò đốt cần được phân loại, bỏ những thứ tạo ra chất độc như cao-su, bao nhựa… Mặt khác, lò đốt cần có nhiều ngăn, ống thải khói cao ít nhất 20 m để nâng nhiệt độ. Các nguyên tắc này không được nhà đầu tư và công nhân lò đốt thực hiện nghiêm túc, cho nên dẫn đến tình trạng thải khí độc ra môi trường chung quanh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân (cả ba lò đốt rác này đều nằm gần khu vực dân cư, chợ, trường học). Theo quy định, những lò đốt rác chưa đạt quy chuẩn cho phép thì cần ngừng hoạt động ngay, nhưng đáng tiếc, lãnh đạo Sở TN và MT tỉnh Sóc Trăng chưa thật sự quan tâm, vẫn để các lò đốt rác này hoạt động bình thường. Ðến khi người dân địa phương bức xúc, công luận lên tiếng thì lãnh đạo Sở TN và MT tỉnh Sóc Trăng mới có động thái xin kinh phí khắc phục, sửa chữa.

Qua kiểm tra thực tế hoạt động tại ba lò đốt rác thải sinh hoạt nêu trên, Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Sóc Trăng Trần Ngọc Ẩn cho biết: Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận, Sở TN và MT đang phối hợp các sở, ngành liên quan cùng đơn vị tư vấn để đánh giá, góp ý về những thông số kỹ thuật đối với các lò đốt, dự kiến thời gian làm thủ tục chỉnh sửa, khắc phục những hạn chế, bảo đảm đúng các quy định theo quy chuẩn, cố gắng đến ngày 1-5-2019 hoàn thành. Trước mắt, trong năm 2017 sẽ tiến hành sửa chữa, khắc phục hai lò đốt rác ở huyện Long Phú và Châu Thành. Riêng lò đốt rác thị xã Ngã Năm sẽ cải tạo, khắc phục vào năm 2018. Tuy nhiên, hiện nay việc sửa chữa, khắc phục những hạn chế các lò đốt rác diễn ra quá chậm và không biết đến bao giờ xong.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu cho biết, đã có ý kiến chỉ đạo Sở TN và MT cho tạm ngừng hoạt động hai lò đốt rác ở Long Phú và Châu Thành cho đến khi cải tạo, khắc phục xong các hạn chế của lò và tìm vị trí, địa điểm thuận lợi để xử lý rác trong thời gian thực hiện sửa chữa, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Khẩn trương thực hiện việc khắc phục hạn chế của ba lò đốt rác tại hai huyện Long Phú, Châu Thành và thị xã Ngã Năm.

Tuy nhiên, một vấn đề được dư luận đặt ra là việc đầu tư xây dựng ba lò đốt rác thải sinh hoạt ở Sóc Trăng với số tiền lớn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân vùng nông thôn, nhưng tại sao lại để xảy ra tình trạng thiết bị không đạt yêu cầu về kỹ thuật, lắp đặt không đúng quy cách. Nhất là khi đưa vào hoạt động lại thải khí độc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân. Trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thi công lắp đặt ba lò đốt rác này cần được làm rõ, minh bạch, công khai.