Làm rõ nguyên nhân ngập úng nặng tại thành phố Quảng Ngãi

NDO -

Nguyên nhân do đâu gây ngập úng nghiêm trọng tại trung tâm thành phố Quảng Ngãi vào cuối tháng 10 vừa qua? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp nào chống ngập úng trong thời gian tới?... là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII diễn ra từ ngày 7-10/12.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Công Hoàng lý giải đáp nguyên nhân ngập úng. (Ảnh: HIỂN CỪ)
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Công Hoàng lý giải đáp nguyên nhân ngập úng. (Ảnh: HIỂN CỪ)

Đợt mưa lớn ngày 23-24/10 khiến nhiều khu vực nội thành thành phố Quảng Ngãi bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập khoảng 1m làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, giao thông đi lại hết sức khó khăn, hàng loạt xe ô-tô bị chết máy nằm giữa đường. Qua thống kê, toàn thành phố có 19 địa điểm ngập, phân bố tại 5 lưu vực, gồm: lưu vực 1 (phía bắc đường Hùng Vương có 4 điểm ngập); lưu vực 2 (phía nam đường Hùng Vương có 12 điểm ngập); lưu vực 3 (phía đông đường Quang Trung có 1 điểm ngập); lưu vực 4 (phía tây đường sắt có 1 điểm ngập); lưu vực 5 (phía bắc sông Trà Khúc có 1 điểm ngập). Ngoài ra, còn có một số điểm ngập nước cục bộ một số khu dân cư hiện hữu.

Đáng lo ngại, nhiều tuyến đường, khu dân cư chưa bao giờ xảy ra tình trạng ngập úng thì nay cũng bì bõm nước. Nhiều người dân thành phố Quảng Ngãi cho biết, chưa bao giờ thấy cảnh tượng trung tâm thành phố bị ngập sâu như thế, nhiều tuyến đường biến thành sông, nước rút rất chậm.

Nguyên nhân do đâu?

Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, Nguyễn Công Hoàng, qua khảo sát, đánh giá ban đầu xác định một số nguyên nhân chủ yếu: Đó là, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, chỉ trong vòng 24 giờ, trung tâm thành phố Quảng Ngãi có mưa cực lớn với tổng lượng mưa 532mm (vượt kỷ lục năm 2009 là 525 mm). Đây là trận mưa lịch sử trong 50-60 năm trở lại đây khiến lưu lượng nước qua sông Bàu Giang đoạn qua thành phố Quảng Ngãi tăng đột biến lên đến hơn 250m3/s.

“Diện tích mặt cắt dòng sông Bầu Giang không đủ đáp ứng, nước sông dâng cao tràn vào thành phố Quảng Ngãi (khu vực đường Trường Chinh) gây ngập, làm chậm quá trình tiêu thoát khu vực phía nam đường Hùng Vương ra sông Bàu Giang dẫn đến kéo dài thời gian ngập úng cục bộ”, ông Nguyễn Công Hoàng lý giải.

Cũng theo ông Nguyễn Công Hoàng, nhiều công trình đầu mối như: trạm bơm, hồ điều hòa cho khu vực phía nam thành phố, hệ thống đê, kè dọc sông Bàu Giang cũng như một số trục tiêu thoát nước chính của đô thị chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt.

Bên cạnh đó, một số hệ thống thoát nước được xây dựng trước năm 2000 như đường Quang Trung, Phạm Văn Đồng, Cao Bá Quát, Lê Thánh Tôn có tiết diện đường kính cống nhỏ nay đã bị xuống cấp, năng lực thoát nước kém. Việc kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng thoát nước còn nhiều bất cập. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ thoát nước còn hạn hẹp, chưa hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt.

Hệ thống thoát nước hiện trạng của thành phố chưa được tổ chức nạo vét, duy tu, bảo dưỡng kịp thời. Nhiều tuyến kênh rạch thoát nước chính (kênh Bàu Sắt, kênh Bàu He...), hồ điều hòa (Bàu Cả, Nghĩa Chánh) bị bồi lắng, cỏ dại xâm lấn nhưng không được nạo vét, khơi thông làm giảm dung tích chứa, ảnh hưởng rất lớn đến đường chảy thoát nước từ khu vực nội thành ra các sông.

Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Văn Tố, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi về việc cho phép xây dựng hàng loạt khu dân cư, khu đô thị trong thời gian gần đây có phải là một trong những nguyên nhân gây ngập úng hay không?, ông Nguyễn Công Hoàng cho rằng, mặt trái của quá trình đầu tư, phát triển đô thị trong đó có việc đầu tư xây dựng các khu dân cư, khu đô thị đã làm giảm khá nhiều vùng trũng chứa nước tự nhiên trong đô thị; quá trình thi công xây dựng chưa kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước chính của thành phố. Bên cạnh đó, cao độ san nền các dự án cao hơn cao độ hiện trạng trung bình từ 0,5 đến l m cũng góp phần gây ngập úng các khu vực lân cận dự án, nhất là các khu dân cư cũ ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Làm rõ nguyên nhân ngập úng nặng tại thành phố Quảng Ngãi -0
 Ngập úng nghiêm trọng tại trung tâm thành phố Quảng Ngãi vào cuối tháng 10 vừa qua. (Ảnh: MAI NA)

Giải pháp chống ngập úng

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Công Hoàng đề xuất giải pháp chống ngập úng tại trung tâm thành phố Quảng Ngãi trong thời gian tới với 2 nhóm cơ bản.

Cụ thể, trước mắt ưu tiên triển khai ngay và khẩn trương hoàn thành công tác nạo vét duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước, hồ điều hòa; kiểm tra, rà soát và tháo dỡ đối với các công trình xây lấn chiếm, vật che chắn, cầu cống tạm dọc các kênh, sông Bàu Giang...để khơi thông dòng chảy.

Lập kế hoạch ưu tiên bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các tuyến thoát nước đối với các vị trí thường xuyên ngập; đầu tư các tuyến trục tiêu thoát nước chính của nội thị kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước của các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn.

“Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi đang lập quy hoạch điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu thành phố Quảng Ngãi tỷ lệ 1/2000. Vì vậy, cần phải kiểm tra, rà soát tổng thể để có giải pháp quy hoạch điều chỉnh, bổ sung các tuyến thoát nước chính cần thiết trong khu vực nội thành, kết nối đồng bộ mạng lưới thoát nước chung”, ông Nguyễn Công Hoàng chia sẻ.

Về giải pháp lâu dài, để giảm thiểu tối đa tình trạng ngập nước trong khu vực nội thành thành phố, cần có sự nghiên cứu đánh giá toàn diện, chuyên sâu về hiện trạng và các tác động ảnh hưởng đến việc thoát nước. Trên cơ sở tính toán, rà soát toàn diện quy hoạch ngành (thủy lợi), quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị để xây dựng cơ sở dữ liệu, lập phần mềm quản lý hệ thống thoát nước đô thị. Trong đó, xây dựng các kịch bản ngập cục bộ trên địa bàn thành phố tương ứng với từng cấp độ mưa, lũ làm cơ sở để thực hiện công tác quản lý, điều chỉnh các bất hợp lý trong quá trình lập quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị, dự báo kịp thời cho người dân chủ động ứng phó kịp thời và từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước tương ứng.

Xây dựng kế hoạch dài hạn để đầu tư xây dựng từng bước, theo thứ tự ưu tiên các công trình đầu mối thoát nước (đê kè hai bên sông Bàu Giang, trạm bơm cưỡng bức và hồ điều hoà khu vực phía nam thành phố, nâng cấp trạm bơm cưỡng bức phía bắc hiện hữu, cải tạo các hồ điều hòa Bàu Cả, Nghĩa Chánh hoàn thiện các trục tiêu thoát nước chính của đô thị...; hoàn chỉnh hệ thống thoát nước...

Theo đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, ngập úng đô thị là vấn đề cử tri bức xúc, đòi hòi các sở, ngành, địa phương liên quan cần thấy rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, bằng nguồn vốn trung ương và các nguồn khác, tỉnh Quảng Ngãi tập trung đầu tư thu gom thoát và xử lý nước trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi cũng như nhận diện và khắc phục những tồn tại hạn chế liên quan hạ tầng thoát nước.

“Tỷ lệ đô thị hóa của Quảng Ngãi hiện mới chỉ đạt 26,7%, thấp hơn mức trung bình cả nước, cho nên yêu cầu phát triển đô thị là cần thiết. Do vậy, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước phải quan tâm đến công tác quy hoạch một cách đồng bộ, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, mặt trái của phát triển đô thị”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.