Tập trung ngăn chặn dịch bệnh dại ở Bến Tre

Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Bến Tre tiếp tục xuất hiện các ổ dịch bệnh dại trên vật nuôi, sau đó lây sang người. Bến Tre đang tập trung tiêm ngừa bệnh dại trên đàn chó, mèo và thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh dại lây sang người…
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Bến Tre đưa vật nuôi đến cơ sở thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Người dân Bến Tre đưa vật nuôi đến cơ sở thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Tính đến giữa tháng 4/2023, hai ổ dịch bệnh dại trên chó nuôi đã xuất hiện tại địa bàn hai xã Sơn Phú và Thuận Điền, huyện Giồng Trôm. Ngay sau khi phát hiện, chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng đã tiêu hủy số chó bị bệnh dại và tập trung tiêm ngừa cho chó, mèo nuôi trong nhà dân.

Bệnh dại lây từ chó, mèo sang người tại Bến Tre diễn biến phức tạp. Trong năm 2022, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong do bệnh dại, nhiều nhất cả nước. Từ đầu năm 2023 đến nay, lại xảy ra hai trường hợp tử vong tại xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre và xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan, không đi tiêm ngừa sau khi bị chó, mèo cắn.

Mới đây, bệnh nhân Đ.T.N., sinh năm 2010 ở ấp Quý Thuận B, xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú tử vong do bệnh dại. Bệnh khởi phát ngày 10/3, bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, mua thuốc uống nhưng không khỏi.

Đến ngày 13/3, bệnh nhân nhập viện tại khoa cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Thạnh Phú sau đó được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu với các biểu hiện nặng hơn kèm theo nói sảng, khó nuốt, ăn uống kém, hôn mê và tử vong vào ngày 16/3.

Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu chẩn đoán ban đầu: bệnh nhân ngưng tuần hoàn hô hấp, viêm màng não, suy đa cơ quan, theo dõi bệnh dại và lấy mẫu nước bọt. Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xác định đây là trường hợp tử vong do bệnh dại.

Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân này từng bị mèo cào ở tay, vết cào nông, không chảy máu, bệnh nhân có rửa vết thương bằng xà-phòng nhưng không đi tiêm phòng dại. Nhà bệnh nhân có nuôi hai con chó, ba con mèo nhưng không tiêm phòng bệnh dại. Một trong hai con chó có biểu hiện bệnh và cắn mẹ của bệnh nhân, sau đó bỏ đi mất. Mẹ và em bệnh nhân đã tiêm phòng dại sau đó. Ngành y tế địa phương đang vận động cha của bệnh nhân đi tiêm phòng.

Ngay sau khi phát hiện hai ổ dịch dại động vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre đã lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại tại đây.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre Trần Quang Thái cho biết, đến nay, cả hai xã Sơn Phú và Thuận Điền, huyện Giồng Trôm đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo hướng dẫn, quy định và đã tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đạt hơn 97%. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn về quản lý đàn chó nuôi tại địa phương do ý thức của người dân chưa cao.

Thời gian tới, các tổ chức, đoàn thể địa phương sẽ tăng cường phối hợp chính quyền và cơ quan chuyên môn của xã để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dại; tiếp tục kiểm tra ở các xã có tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại thấp để đôn đốc tiêm phòng bệnh dại trên động vật.

Trong đó, chú ý khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng; tiêm vắc-xin phòng dại cho chó, mèo để khống chế bệnh. Khi phát hiện các trường hợp chó nghi dại phải chủ động báo với cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời...

Hiện, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Bến Tre khoảng 211.000 con. Số được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại còn thời gian bảo hộ miễn dịch là 163.091 con, đạt hơn 84% tổng đàn. Bến Tre đang quyết liệt thực hiện các giải pháp không để vật nuôi thả rông ở nơi công cộng, đi ra ngoài phải có dây xích, rọ mõm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, ở địa phương, chó, mèo chủ yếu được nuôi để giữ nhà, làm thú cưng. Việc nuôi chó theo cách thả rông chiếm tỷ lệ cao, nhất là ở nông thôn. Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng toàn tỉnh đạt 84,57% tổng đàn.

Tuy vậy, một số địa phương vẫn có tỷ lệ tiêm phòng thấp dưới 50% tổng đàn, như xã An Ngãi Trung (huyện Ba Tri); xã Đại Hòa Lộc (huyện Bình Đại) và xã An Thới (huyện Mỏ Cày Nam). Các địa phương này đang tiếp tục rà soát tổng đàn chó, mèo và nhận vắc-xin bổ sung để tiếp tục tiêm phòng cho toàn đàn chó, mèo, bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Hậu ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cho biết: “Trước đây, hầu hết người dân đều nuôi chó thả rông để giữ nhà và không tiêm ngừa. Gần đây, bà con đã ý thức hơn nên định kỳ tiêm ngừa bệnh dại cho chó, mèo. Gia đình tôi nuôi bốn con chó, cứ tám tháng một lần đều tiêm vắc-xin để bảo đảm an toàn cho gia đình và những người chung quanh”.

Ngành y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống bệnh dại; phải tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo nuôi. Khi bị chó, mèo cắn, cào cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, được tư vấn, tiêm vắc-xin, huyết thanh phòng bệnh dại đầy đủ, đúng lịch.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, địa phương đã kêu gọi cả hệ thống chính trị và nhân dân hưởng ứng việc phòng, chống bệnh dại, trong đó, tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nguy cơ, sự nguy hiểm, tác hại của bệnh dại, không chủ quan với bệnh nguy hiểm này.