Tập trung phòng, chống bệnh dại tại Điện Biên

NDO - Chỉ trong thời gian ngắn, Điện Biên liên tục ghi nhận các trường hợp là người dân tộc thiểu số ở địa bàn các huyện bị tử vong do bệnh dại vì bị chó, mèo cắn. Thực trạng này, đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn ổ dịch dại trên người và trên vật nuôi, rất cần sự vào cuộc từ các cấp, các ngành tại địa phương để triển khai đồng thời các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên tuyên truyền, vận động người dân xã Thanh Yên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh dại cho vật nuôi.
Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên tuyên truyền, vận động người dân xã Thanh Yên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh dại cho vật nuôi.

Theo thống kê của ngành y tế Điện Biên, trong khoảng thời gian chưa đầy 4 tháng (từ đầu năm 2023 đến nay), toàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 6 người ở các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo tử vong do bệnh dại. Còn theo báo cáo của Chi cục Thú y Điện Biên thì qua công tác xét nghiệm từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 7 trường hợp cá thể chó dương tính với virus dại. Kết quả này đã phần nào cho thấy virus dại lưu hành trên đàn chó tại Điện Biên khá phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây sang người rất lớn.

Tập trung phòng, chống bệnh dại tại Điện Biên ảnh 1

Một trường hợp ở huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) bị phát bệnh dại do bị chó cắn. (Ảnh C.T.V.)

Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết, trường hợp gần đây nhất được phát hiện tử vong do bị chó dại cắn là chị G.T.N. trú tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tử vong ngày 16/4 sau 2 tháng bị chó nuôi của gia đình cắn vào bắp đùi chân trái. Ngay khi tiếp nhận thông tin chị N. bị chó cắn, cán bộ xã đã tư vấn tiêm phòng dại nhưng chị N. không tiêm vì nghĩ rằng, chó nhà nuôi thì không đáng ngại.

Những ngày sau, chị N. vẫn sinh hoạt, đi làm bình thường. Đến ngày 14/4, khi có biểu hiện đau mỏi lưng, khó vận động, chị N. được người thân đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa thăm khám sau đó được chuyển tuyến về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên điều trị. Qua các xét nghiệm, chị N. được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh dại; ngày 16/4 chị N. tử vong.

Trước đó, ngày 27/3 trên địa bàn xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cũng ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại do chó cắn. Cũng như trường hợp chị N. ở Pú Xi, ông L.V.Đ. bị chó cắn nhưng chủ quan không tiêm vaccine phòng dại nên phát bệnh tử vong…

“Hầu hết các trường hợp được phát hiện bệnh đều là đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản, xã; phần do chủ quan, phần do hiểu biết không đầy đủ hệ lụy bệnh dại nên ngay cả khi được cán bộ cơ sở khuyên đi tiêm phòng họ vẫn không tiêm mà chỉ khi chuyển bệnh mới điều trị thì đã không kịp”, ông Phạm Giang Nam cho biết thêm.

Với thực trạng gia tăng bệnh dại trên người tại Điện Biên thời gian qua và các năm trước, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) nhận định, Điện Biên là tỉnh nguy cơ cao về bệnh dại trên người. Hằng năm địa phương này đều ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người và hơn 3.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng. Đặc biệt là khoảng thời gian từ đầu năm đến nay Điện Biên đã ghi nhận 6 người tử vong do bệnh dại, trong khi cùng khoảng thời gian này năm trước (2022) lại không có trường hợp nào.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại và cách phòng, chống bệnh trên người, động vật để nâng cao nhận thức, ý thức phòng tránh bệnh cho mọi người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng

Thực trạng này đòi hỏi các ngành thú y, y tế Điện Biên cần tập trung thực hiện đồng thời các biện pháp điều tra, xử lý ổ dịch dại trên người và trên đàn chó, mèo. Đồng thời tăng cường công tác tiêm vaccine phòng dại cho người bị chó, mèo cắn; duy trì các điểm tiêm vaccine dại bảo đảm đủ mỗi huyện có ít nhất một điểm tiêm để tăng độ bao phủ và khả năng tiếp cận điều trị dự phòng bệnh dại cho người dân.

Chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người; hạn chế tối đa các trường hợp mắc, tử vong do bệnh dại, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại và cách phòng, chống bệnh trên người, động vật để nâng cao nhận thức, ý thức phòng tránh bệnh cho mọi người dân.

Đặc biệt, việc tuyên truyền cần chú trọng đến các địa bàn nguy cơ cao, nơi đã ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thay đổi nhận thức của người dân về tiêm vaccine phòng dại và cách xử trí ban đầu khi bị chó, mèo nghi dại cắn.

Với Sở Y tế Điện Biên, ông Vừ A Bằng, yêu cầu phải bảo đảm cung ứng đủ vaccine, vật tư phòng bệnh dại; duy trì các điểm tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại; đồng thời xây dựng phương án mở rộng điểm tiêm vaccine phòng dại tại các khu vực nguy cơ cao, bảo đảm người dân dễ tiếp cận, được tư vấn và tiêm vaccine phòng bệnh kịp thời. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên phải tăng cường phối hợp Sở Y tế giám sát, xử lý ổ dịch dại trên động vật.

Ông Vừ A Bằng còn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn sử dụng hệ thống trực tuyến quốc gia phục vụ việc đăng ký, báo cáo số liệu quản lý đàn, số liệu tiêm vaccine, số liệu dịch bệnh, giám sát nhằm xác định nguy cơ, vùng an toàn bệnh dại trên đàn chó, mèo trong toàn tỉnh.