Lâm Đồng yêu cầu các thủy điện không xả lũ vào ban đêm

NDO - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp vừa ký Công điện hỏa tốc, yêu cầu các đơn vị, sở ngành, địa phương trong tỉnh tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4. Trong đó, yêu cầu các công ty thủy điện tuyệt đối không xả lũ vào ban đêm.
0:00 / 0:00
0:00
Lâm Đồng yêu cầu các thủy điện không xả lũ vào ban đêm.
Lâm Đồng yêu cầu các thủy điện không xả lũ vào ban đêm.

Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về hoa màu, tài sản và bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Công thương chỉ đạo các công ty thủy điện vận hành các hồ thủy điện trên địa bàn theo đúng quy định, quy trình vận hành; có phương án xả lũ hợp lý, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du; thông tin cảnh báo kịp thời cho người dân biết, chủ động ứng phó, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp, tuyệt đối không nên xả lũ vào ban đêm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống công trình kênh, mương, hồ chứa, thủy lợi, thủy điện, công trình xây dựng đang thi công dở dang trên địa bàn để chủ động ứng phó, nhất là các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực thuộc, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, bố trí cán bộ tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời điểm diễn ra bão; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn...

Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn; chủ động kiểm tra các công trình hồ đập trên địa bàn, sẵn sàng lực lượng phương tiện, trang thiết bị, nguồn lực để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng.

Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực thuộc, tăng cường công tác thông tin, dự báo, kịp thời cảnh báo nhanh chóng đến tận thôn, buôn, người dân; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp…

Các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương tham gia cứu nạn, cứu hộ, đưa người dân đến nơi an toàn và khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra...