Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 30/7, do mưa lớn liên tục đã gây sạt lở mái ta-luy dương trên quốc lộ 20, khu vực Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui đoạn giữa đèo Bảo Lộc.
Nhận được thông tin, cán bộ, chiến sĩ Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đã trở về Trạm để dân di dời phương tiện, trang thiết bị, bất ngờ lượng lớn đất, đá đổ xuống vùi lấp 3 cán bộ, chiến sĩ, gồm Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường, Thượng úy Lê Ánh Sáng, Đại úy Lê Quang Thành và anh Phạm Ngọc Anh, nguyên chiến sĩ nghĩa vụ Công an tỉnh Lâm Đồng, đang làm việc gần đó đến hỗ trợ chuyển đồ đạc.
Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui trên đèo Bảo Lộc. |
Vụ sạt lở làm chia cắt hoàn toàn giao thông trên quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và các lực lượng khác; cùng các phương tiện, máy móc để khẩn trương tổ chức tìm kiếm nạn nhân.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Công an tỉnh trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân.
Khoảng 20 giờ 10 phút tối 30/7, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy 3 thi thể nạn nhân trong vụ sạt lở và đưa ra khỏi khu vực hiện trường.
Công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn được khẩn trương tiến hành để tìm kiếm nạn nhân còn lại và sớm khắc phục hậu quả vụ sạt lở. Các lực lượng thay phiên tổ chức tìm kiếm liên tục trong đêm dưới trời mưa lạnh.
Sáng 31/7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó với mưa lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ. Trong sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đến hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc để chỉ đạo, khắc phục sự cố.
Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng và huy động phương tiện nhanh chóng đến hiện trường triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và tinh thần trách nhiệm cao của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn thay phiên bám hiện trường tìm kiếm các nạn nhân. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tăng cường nhân lực, phương tiện để nhanh chóng khắc phục sự cố sạt lở.
Cũng trong sáng 31/7, Phó Thủ tướng và Đoàn công tác Chính phủ, cùng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã đến thăm viếng, chia buồn cùng gia đình Đại úy Lê Ánh Sáng, 1 trong 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông hy sinh trong vụ sạt lở.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chia buồn cùng cha của liệt sĩ Lê Ánh Sáng. |
Đến khoảng 12 giờ ngày 31/7, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm thấy nạn nhân thứ 4 trong vụ sạt lở. Như vậy, sau 21 giờ xảy ra vụ việc, thi thể 4 nạn nhân bị đất đá vùi lấp đã được tìm thấy.
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở. |
Sau khi kiểm tra hiện trường sạt lở, sáng 31/7, làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh ba nội dung, nhóm việc, gồm: công tác khắc phục, cảnh báo và thích ứng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, một nguyên tắc buộc phải tuân thủ là tuyệt đối không để sự cố chồng lên sự cố và phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng chức năng. Đồng thời, tiến hành đánh giá khu vực sạt lở để có biện pháp xử lý an toàn. Việc này không chỉ cảnh báo cho Lâm Đồng mà cảnh báo cho cả nước trong mùa mưa bão.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh ba nội dung, nhóm việc, gồm: công tác khắc phục, cảnh báo và thích ứng. |
10 giờ 30 phút sáng 1/8, tỉnh Lâm Đồng chính thức cho thông xe trở lại tuyến đèo Bảo Lộc sau khi khắc phục sự cố sạt lở.
Ngày 2/8, Công an tỉnh Lâm Đồng tổ chức Lễ truy điệu 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại đèo Bảo Lộc và tiễn đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ (linh cữu Trung tá Nguyễn Khắc Thường và Thiếu tá Lê Quang Thành được tổ chức an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt).
Linh cữu Đại úy Lê Ánh Sáng được đưa từ Lâm Đồng về quê nhà ở xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh; linh cữu anh Phạm Ngọc Anh cũng được đưa về quê thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa an táng.
Đưa linh cữu Liệt sĩ, Đại úy Lê Ánh Sáng Lâm Đồng về quê nhà (ảnh trên) và dòng người đến viếng anh Phạm Ngọc Anh tại quê nhà Thanh Hóa. |
Với sự hy sinh anh dũng, thể hiện tinh thần người chiến sĩ Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Tổ quốc ghi công”, Bộ trưởng Công an truy thăng cấp bậc hàm đối với 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lâm Đồng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, gồm: Trung tá Nguyễn Khắc Thường (sinh năm 1981, quê quán huyện Nam Sách, Hải Dương), Thiếu tá Lê Quang Thành (sinh năm 1977, quê quán huyện Triệu Phong, Quảng Trị) và Đại úy Lê Ánh Sáng (sinh năm 1990, quê quán huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Từ trái sang: Trung tá Nguyễn Khắc Thường, Thiếu tá Lê Quang Thành và Đại úy Lê Ánh Sáng. (Ảnh: Bộ Công an). |
Ngày 3/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đề nghị truy tặng Huân chương Dũng cảm, Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho anh Phạm Ngọc Anh (sinh năm 2000, quê quán thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), nguyên chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân, xuất ngũ tháng 6/2023, đã có hành động dũng cảm trong hỗ trợ cứu tài sản của nhà nước, nhân dân khi sạt lở đèo Bảo Lộc.
Hai tờ trình của UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị truy tặng Huân chương Dũng cảm và Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho anh Phạm Ngọc Anh. |