Chiều 7/10, tại thành phố Đà Lạt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Đây là hoạt động hưởng ứng và góp phần lan tỏa mạnh mẽ sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin trình bày các tham luận nhằm làm rõ hơn về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số, như chuyển đổi số trong công tác quản trị tài chính nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số, giám sát và khắc phục rủi ro bảo mật trong quá trình chuyển đổi số, an toàn thông tin và bài toán lựa chọn công nghệ trong chuyển đổi số; định vị, xây dựng thương hiệu trực tuyến với tên miền quốc gia (.vn) giúp nâng cao chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh…
Quang cảnh hội thảo. |
Hiện tất cả 142 xã, phường, thị trấn và 39% thôn, buôn, tổ dân phố của tỉnh Lâm Đồng đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 4.180 thành viên; 96% khu dân cư được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G; 11/12 huyện, thành phố đã triển khai ứng dụng trực tuyến kết nối chính quyền với nhân dân; tất cả cơ quan Đảng và chính quyền các cấp đã trang bị máy tính, kết nối mạng internet tốc độ cao… cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai các nền tảng số theo lộ trình của các ngành, lĩnh vực tại địa phương.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp công nghệ số, chiếm 4,5% trên tổng số doanh nghiệp tại địa phương; 12 sàn giao dịch thương mại điện tử được Bộ Công thương xác nhận.
Lâm Đồng đang trong quá trình triển khai Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với quan điểm chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền cần nhận thức sâu sắc, toàn diện về chuyển đổi số; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực triển khai chuyển đổi số đồng bộ, sâu rộng đến các cấp, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; xác định người dân là trung tâm chuyển đổi số.
Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đang xếp thứ 20 cả nước. Nhưng để giữ được vị trí tốp này và tăng hạng, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả người dân thì mới thực hiện được.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng Huỳnh Minh Hải
Mục tiêu hướng đến là triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; xây dựng chính quyền số; phát triển mạnh kinh tế số…
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng Huỳnh Minh Hải cho biết: “Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đang xếp thứ 20 cả nước. Nhưng để giữ được vị trí tốp này và tăng hạng, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả người dân thì mới thực hiện được”.
Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các văn bản, tài liệu chính thức không mật được trao đổi, xử lý, khai thác văn bản điện tử có chữ ký số trên mạng máy tính giữa các cơ quan; 100% tài liệu được số hóa kịp thời; phấn đấu tất cả hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến.
Đồng thời, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh, năng suất lao động hằng năm tăng bình quân 7%...