Trong 10 tháng, toàn tỉnh có 587 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 19,3% so cùng kỳ năm 2022; 193 doanh nghiệp giải thể, tăng 3,8% và 262 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 14,7% so cùng kỳ năm 2022.
Lâm Đồng hiện có 532 hợp tác xã, với hơn 72,2 nghìn thành viên, tăng 8,4% số lượng hợp tác xã và tăng 4,7% số lượng thành viên so cùng kỳ năm 2022; 5 liên hiệp hợp tác xã và 446 tổ hợp tác.
Đắk Nông đầu tư xây dựng dữ liệu số nông nghiệp
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Quyết định số 1506/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp tỉnh Đắk Nông. Gói thầu có tổng kinh phí thực hiện hơn 10,986 tỷ đồng, gồm hai hạng mục: Xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp tỉnh Đắk Nông (9,854 tỷ đồng) và kiểm thử chất lượng phần mềm (1,132 tỷ đồng).
Đây là gói thầu được thực hiện toàn bộ bằng ngân sách Nhà nước, bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu từ quý IV/2023 bằng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng. Gói thầu xây dựng nền tảng dữ liệu số có thời gian thực hiện 780 ngày. Gói thầu phần mềm thực hiện trong 30 ngày.
Đắk Nông hiện có hơn 300.000 ha cây trồng. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 38% trong cơ cấu kinh tế và là một trong ba trụ cột kinh tế của Đắk Nông. Do đó, việc xây dựng nền tảng số nông nghiệp là rất quan trọng, góp phần xây dựng và thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp của tỉnh.
Tăng cường phối hợp quản lý bảo vệ rừng tại khu vực biên giới Kon Tum
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa ban hành Công văn số 3981/UBND-NNTN về việc tăng cường công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng tại khu vực biên giới trên địa bàn. Tỉnh giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan nghiên cứu các quy định về phối hợp và làm việc với tổ chức nước ngoài, báo cáo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét về cơ chế đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện cho lực lượng kiểm lâm tỉnh Kon Tum chủ động phối hợp lực lượng kiểm lâm các tỉnh Attapeu, SeKong (Lào) trong việc tuần tra, truy quét bảo vệ rừng tại khu vực biên giới giữa hai nước trên cơ sở các bản ghi nhớ đã ký.
Đồng thời, phối hợp Bộ đội Biên phòng tỉnh, các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trong khu vực biên giới; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, hạn chế các hoạt động làm ảnh hưởng quan hệ ngoại giao giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Attapeu, SeKong.
Thí điểm triển khai các giải pháp thích ứng quy định không gây mất rừng của EU
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kế hoạch “Triển khai các giải pháp thích ứng với quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EU) trên địa bàn Đắk Lắk” đối với ngành hàng cà-phê. Tỉnh thí điểm tại bảy huyện, thị xã, thành phố gồm: Krông Năng, Cư M’gar và Ea H’leo do tổ chức IDH hỗ trợ triển khai; các huyện Krông Ana, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk hỗ trợ triển khai. Thời gian thực hiện từ tháng 10/2023 đến 12/2024.
Nông dân huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk sản xuất cà-phê thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu. (Ảnh N.C.L) |
Đây là cơ sở cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành hàng cà-phê Việt Nam, dữ liệu quốc gia và cơ chế chia sẻ thông tin phản hồi với EU, tạo tiền đề mở rộng đến các huyện trồng cà-phê khác trong toàn tỉnh Đắk Lắk.