Lãi suất ngày 21/8: Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống dưới 7%/năm

NDO - Theo khảo sát của phóng viên tại website của 32 ngân hàng, hiện mức lãi suất phổ biến đã về dưới 7%/năm, còn rất ít ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 7%/năm.
0:00 / 0:00
0:00
Lãi suất ngày 21/8: Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống dưới 7%/năm

Trong tuần qua, 10 ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động: Ngân hàng Bắc Á, Bảo Việt, Eximbank, GPBank, Hong Leong, Indovina, MB, NCB, Sacombank, SeABank. Mức giảm từ 0,05-0,40 điểm %/năm chủ yếu ở các kỳ hạn trên 1 tháng.

Các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động hiện hành, mức cao nhất là 6,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

Theo khảo sát của phóng viên tại website của 32 ngân hàng, hiện mức lãi suất phổ biến đã về dưới 7%/năm, còn rất ít ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 7%/năm.

Ở các ngân hàng được khảo sát, với kỳ hạn 1 tháng, hiện mức lãi suất huy động cao nhất vẫn là 4,75%/năm.

Với kỳ hạn 6 tháng, không ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất trên 7%. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng hiện dao động từ 5% đến 6,8%/năm.

Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động dao động từ 5,2% đến 7,1%/năm. Hiện chỉ có 3 ngân hàng huy động ở mức trên 7%/năm. Mức cao nhất 7,1%/năm đang được Ngân hàng Xây dựng áp dụng, như vậy, chỉ sau 2 tuần, ngân hàng này đã giảm 0.6%/năm lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng (trước là 7,7%/năm),

Tương tự, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động dao động từ 5,2% đến 7,3%/năm. Có 5 ngân hàng huy động ở mức trên 7%/năm. Indovina hiện vẫn là ngân hàng đang áp dụng lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này, nhưng đã giảm từ 7,7%/năm tuần trước xuống còn 7,3%/năm từ ngày 16/8.

Sau 4 lần liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn 6385/NHNN-CSTT đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu giảm lãi suất cho vay. Yêu cầu này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại văn bản này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5%-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trước ngày 25/8 phải gửi báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới giải ngân. Trước ngày 8/1/2024 các tổ chức tín dụng phải gửi báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Dưới đây là mức lãi suất được tổng hợp từ website của 31 ngân hàng (áp dụng với khách hàng cá nhân, cho khoản tiền dưới 3 tỷ đồng gửi tại quầy, trả lãi cuối kỳ).