Giảm tiếp lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Lãi suất điều hành vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định giảm thêm 0,5 điểm phần trăm, tạo cơ sở giảm tiếp lãi vay. Mặc dù lãi suất cho vay đang có động thái giảm, nhưng thực tế vẫn ở mức cao.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Ngọc Thư, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) vay vốn Agribank để phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Ngọc Thư, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) vay vốn Agribank để phát triển kinh tế.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước về diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 4/2023 cho thấy, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,6-11,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi vay vẫn “neo” mức cao

Ghi nhận trên thị trường, từ đầu tháng 5 tới nay, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm mạnh lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Tuy nhiên theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, lãi suất cho vay vẫn chưa giảm nhiều và hiện vẫn “neo” ở mức cao. Cụ thể, báo cáo từ Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp; những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân.

Việc doanh nghiệp thiếu thanh khoản còn đến từ nguyên nhân lãi suất cho vay vẫn chưa giảm như kỳ vọng, dù lãi suất huy động đã giảm mạnh. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19, dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho doanh nghiệp sản xuất thông thường, trong khi lãi suất vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao, khoảng 13,5-14%/năm.

Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho biết, hiện tỷ suất lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đều dao động 11-12%/năm, chưa trừ khấu hao và lãi ngân hàng.

Do đó, nếu phải vay với lãi suất hơn 10%/năm như hiện nay, doanh nghiệp sẽ bị lỗ và khó có thể phục hồi. Bên cạnh đó, dù các ngân hàng thương mại thông báo hạ lãi suất, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận. “Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp hiện còn rất yếu. Do đó, khi các chính sách hỗ trợ được ban hành rõ ràng, các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc thực hiện, không để xuất hiện độ trễ” bà Kim Chi đề nghị.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết: Đến nay, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Sau dịch Covid-19, kinh tế phục hồi trở lại cho nên nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167 nghìn tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường bằng VND ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao.

“Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (hơn 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn) cho nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước”, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Chưa kể, áp lực còn đến từ quốc tế khi mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023. Các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới vẫn tiếp tục triển khai lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao (Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 10 lần tăng lãi suất,…). Đồng thời, áp lực lạm phát trong nước (lạm phát bình quân 4 tháng năm 2023 ở mức 3,84%; lạm phát cơ bản tăng 4,9%; mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%) còn hiện hữu, khiến chi phí đầu vào của tổ chức tín dụng ở mức cao, dẫn đến khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi.

Hạ trần huy động, giảm lãi suất điều hành

Theo Ngân hàng Nhà nước, kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm và đã qua đỉnh, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh tại một số quốc gia lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều Ngân hàng Trung ương các nước điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất. Đáng chú ý, FED phát tín hiệu có thể dừng tăng lãi suất sau lần điều chỉnh tăng ngày 2/5/2023. Trong nước, lạm phát có dấu hiệu qua đỉnh, tăng chậm lại trong bốn tháng đầu năm 2023 do tổng cầu yếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng dồi dào và có dư thừa, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối (hơn 6 tỷ USD)…

Do vậy, trong bối cảnh trên, cùng với việc tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước lần thứ 3 từ đầu năm tới nay đã quyết định điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm, có hiệu lực từ ngày 25/5/2023.

“Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng”, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lý giải.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp; tiếp tục có giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với động thái tích cực của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh lãi suất cho vay giảm 0,65 điểm phần trăm so với cuối năm 2022. Hiện lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Hồ Tấn Tài cho biết, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần giảm lãi suất cho vay, nhưng giảm ở mức độ nào còn tùy thuộc sức khỏe tài chính, chi phí lãi suất đầu vào cũng như chiến lược khách hàng của từng ngân hàng. “Kinh doanh vốn, không ngân hàng nào muốn cho vay lãi suất cao, nhưng việc giảm lãi suất còn tùy thuộc giá vốn đầu vào, tùy thuộc mặt bằng chung và diễn biến thị trường thế giới. Dù vậy, về xu hướng, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm thêm”, ông Hồ Tấn Tài nhấn mạnh.