Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) nằm trên một góc rừng nhiệt đới Đông Nam Bộ xưa, nay vẫn còn lưu dấu tích với những gốc cổ thụ quý, hiếm. Được xây dựng vào năm 1864 với diện tích 16,9 ha, đây là một trong những vườn thú lâu đời nhất trên thế giới và lớn nhất Việt Nam.
Khu bảo tồn thiên nhiên trong thành phố
Thành phố Hồ Chí Minh đang trong những ngày nắng nóng của mùa khô, để "giải nhiệt", nhiều người đã tìm đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn dịp cuối tuần. Anh Nguyễn Văn Hùng ở Quận 12 cho biết, gia đình anh vẫn thường xuyên đến Thảo Cầm Viên vào thứ bảy hay chủ nhật, nhất là trong những ngày nắng nóng như hiện nay, gia đình anh đến Thảo Cầm Viên không chỉ cho các con tham quan, tìm hiểu về các loài động, thực vật mà còn là dịp "trốn nóng" mà không cần phải đi đâu xa.
"Nơi đây có nhiều cây xanh, nhất là các cây cổ thụ cho nên không khí mát mẻ hơn bên ngoài. Dù đi dạo hay nghỉ chân thư giãn trong Thảo Cầm Viên, cũng đều cảm thấy dễ chịu", anh Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Vừa bước qua cổng Thảo Cầm Viên Sài Gòn, khách tham quan như bước vào một thế giới khác, mát mẻ, dễ chịu. Ấn tượng nhất chính là những gốc cây cổ thụ vững chãi tạo thành những mảng xanh quý giá ngay trung tâm thành phố. Ở phía bên phải, Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên có một cây mét (còn gọi là cây né) đại thụ. Đây là cây mét duy nhất và là cây lâu năm nhất ở Thảo Cầm Viên với tuổi đời lên đến 250 năm.
Ông Phạm Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn (gọi tắt là Thảo Cầm Viên) cho biết ngoài cây mét, nơi đây còn có bộ sưu tập nhiều cây quý như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương… Điển hình như cây giáng hương đại thụ quý hiếm (nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007) có tuổi đời hơn 200 năm, đây là cây còn sót lại của khu rừng miền Đông Nam Bộ ngày nào.
Theo ông Phạm Mạnh Dũng, thuở đầu, Thảo Cầm Viên chỉ là vùng đất hoang và bạc màu rộng khoảng 12 ha, nơi đây cũng là nông trại nuôi ngựa của người Pháp. Đến ngày 23/3/1864, Phó đô đốc De La Grandiere giao cho ông Louis Adolph Germain, một bác sĩ thú y thuộc quân đội Pháp giải thể nông trại này và thiết lập khu vườn ươm cây giống và xây dựng một số chuồng trại nuôi động vật là tặng phẩm của những người dân từ các nơi gửi đến. Công trình này được xây dựng sớm hơn các công trình lịch sử ở Thành phố Hồ Chí Minh như Bưu điện Thành phố (1886-1891), Nhà thờ Đức Bà (1877-1880), chợ Bến Thành (1912-1914). Có thể nói bác sĩ Germain là người đầu tiên có công khai sinh ra Thảo Cầm Viên ngày nay. Một năm sau, ngày 23/3/1865, Vườn thực vật được hoàn thành và được Toàn quyền Đông Dương giao cho ông J.B. Louis Pierre, nhà thực vật học người Pháp, Giám đốc Vườn thực vật Calcutta (Ấn Độ) đến quản lý.
Đến ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Thảo Cầm Viên hầu như còn nguyên vẹn khi tiếp quản. Từ đó đến nay, Thảo Cầm Viên đã nhiều lần được cải tạo, nâng cấp và xây mới để phục vụ nhân dân thành phố đến thư giãn, tham quan và học tập.
"Hiện nay, chức năng và nhiệm vụ của Thảo Cầm Viên Sài Gòn chính là thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, nhân giống, phát triển, nghiên cứu khoa học, động vật, thực vật và tổ chức thực hiện cứu hộ động vật, tái thả về tự nhiên; xây dựng điểm đến du lịch đáp ứng yêu cầu vui chơi, giải trí cho người dân và xây dựng nguồn tài nguyên lớn về động vật, thực vật phục vụ công tác học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động ngoại khóa của các đơn vị, cá nhân có nhu cầu", ông Phạm Mạnh Dũng cho biết.
Bộ sưu tập của Thảo Cầm Viên hiện gồm 2.160 cây xanh, khoảng 382 loài, trong đó có 29 loài trong Sách đỏ Việt Nam và của IUCN (Liên hiệp Bảo tồn quốc tế). Bên cạnh đó còn có các nhóm cây thực vật dưới tán phong phú như nhóm dược liệu quý của Việt Nam, nhóm hoa kiểng bonsai, nhóm cây hàng rào… Về động vật, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có tổng số 2.144 cá thể thuộc 128 loài. Hầu hết có tên trong Sách đỏ Việt Nam như chim trĩ sao, báo lửa, hổ Đông Dương, voi châu Á…, trong đó nhiều loài lần đầu sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt. Các loài động vật nhập ngoại cũng sinh trưởng, phát triển tốt như hươu cao cổ, hà mã, ngựa vằn, sư tử, hổ Bengal…; nhiều loài sinh sản tốt trong điều kiện của Thảo Cầm Viên như sư tử, hổ Bengal, hà mã.
Cứu hộ các cá thể động vật cũng là một công tác nổi bật của Thảo Cầm Viên thời gian gần đây. Mỗi năm, Thảo Cầm Viên cứu hộ và chăm sóc hàng trăm cá thể từ khắp mọi miền đất nước như báo lửa tại Chi cục Kiểm lâm Huế, voọc chân nâu-Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim Đồng Tháp, voi châu Á tại Đắk Lắk...
Thảo Cầm Viên cũng tham gia tư vấn chăm sóc và đào tạo kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc động vật hoang dã cho các đơn vị có nhu cầu như kiểm lâm, cảnh sát môi trường… mang lại kết quả rất tốt. Sau khi cứu hộ chăm sóc, Thảo Cầm Viên cũng thực hiện tái thả về tự nhiên một số loài như rái cá vuốt bé, tê tê, khỉ đuôi dài… Sắp tới, Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ tái thả các loài sinh sản tốt trong vườn thú như trĩ sao, cầy vằn, hươu vàng.
Để "lá phổi xanh" thêm xanh
Mỗi ngày, khi trời vừa hừng nắng là anh Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn lại đi rảo một vòng các vườn thú để kiểm tra, theo dõi sức khỏe các loài động vật cũng như công tác an toàn. Nhớ lần đầu gặp anh trước ngày Thảo Cầm Viên mở cửa lại đón khách vào tháng 11/2021, dường như thấy cả nụ cười trong ánh mắt anh và những nhân viên ở đây khi "khu rừng xanh" ở trung tâm thành phố sẽ không còn chìm vào sự vắng lặng vì đại dịch Covid-19. "Không có khách, các con thú ở đây cũng buồn", anh Trực chia sẻ.
Anh Mai Khắc Trung Trực cho biết thêm, anh gắn bó với nơi đây gần 20 năm, là người phụ trách các loài thú của đơn vị, anh nhiều lần "làm mẹ" để cho các thú con mới sinh uống sữa khi mẹ của chúng không nuôi. Việc gần gũi với muông thú từ sớm khiến anh hiểu hết tính nết của từng con, từng loại và hạnh phúc khi nhìn chúng lớn lên từng ngày. Chính những niềm vui đó đã giúp anh xem Thảo Cầm Viên là ngôi nhà thứ hai của mình, không thể rời xa.
Ngôi nhà thứ hai của anh Trực đã trở lại với không khí nhộn nhịp, ở tuổi 160, Thảo Cầm Viên Sài Gòn cần được nhận diện lại các giá trị dưới góc độ khoa học nhằm làm sáng tỏ thêm tầm quan trọng không chỉ trong dòng chảy lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn trong sự phát triển kinh tế-xã hội hiện tại và tương lai của thành phố.
Ông Phạm Mạnh Dũng cho biết, Thảo Cầm Viên chú trọng xây dựng chương trình giáo dục cộng đồng gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo sự đa dạng sinh học cho du khách và nhất là cho học sinh và sinh viên. Các chương trình Giáo dục vườn thú gồm tiết học ngoài nhà trường, trải nghiệm khoa học nông nghiệp… đang thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Về đối ngoại, Thảo Cầm Viên hiện là thành viên Hiệp hội Vườn thú thế giới (WAZA), Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA) và là thành viên sáng lập Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA).
Theo Tiến sĩ Phan Anh Tú, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngày nay nằm trong một không gian di sản bao gồm một quần thể di tích đa dạng. Từ phía đường Lê Duẩn, bước qua chiếc cổng sắt của Thảo Cầm Viên, du khách sẽ nhận ra ngay hai công trình kiến trúc hoành tráng nằm đối diện nhau, ở giữa là lối đi dẫn vào khu trung tâm. Bên trái là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được xây dựng từ năm 1929, bên phải là đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, đây là điều kiện thuận lợi để Thảo Cầm Viên trở thành điểm du lịch với nhiều giá trị di sản được kết nối một cách độc đáo.
Tại các cuộc hội thảo gần đây được tổ chức nhân kỷ niệm 160 năm hình thành và phát triển Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần lưu giữ Thảo Cầm Viên như loại hình di sản hỗn hợp, một mảng không gian xanh điều tiết môi trường sống của thành phố, đồng thời phát triển thành một trung tâm nghiên cứu về các giống cây trồng phục vụ quá trình phát triển của đô thị và nông nghiệp. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Thảo Cầm Viên như một phần của di sản hỗn hợp mà không phải thành phố nào cũng có được.
Theo bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn, trong quá trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố có thể quy hoạch và xây dựng thêm nhiều công viên, vườn bách thảo và bách thú mới, nhưng Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã tồn tại như một vườn bách thú, vườn bách thảo có niên đại cổ xưa đứng thứ hai ở Đông Nam Á, vì vậy, nó cần được gìn giữ, bảo tồn nguyên bản như một loại hình tài nguyên nhân văn, một giá trị tinh thần thể hiện sự trân trọng quá khứ của nhân dân và chính quyền thành phố.