Chiều 3/11, Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong 2,5 ngày, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực xây dựng, thông tin và truyền thông, nội vụ, thanh tra.
Đổi mới tích cực
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư này có một đổi mới là công bố sớm những nhóm vấn đề đề xuất thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó tạo điều kiện cho đại biểu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
“Quốc hội lựa chọn các nhóm vấn đề cũng như thông báo các nội dung để cho các Bộ trưởng chuẩn bị đăng đàn trong kỳ họp này từ sớm. Như vậy cũng giúp các đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu cũng như lựa chọn những vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm để tiến hành chất vấn các Bộ trưởng”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu rõ.
Theo đại biểu, đây là một sự đổi mới rất tích cực, qua đó, với sự quyết tâm của Quốc hội, đại biểu kỳ vọng qua các nội dung chất vấn tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ đưa ra được nhiều giải pháp cho phục hồi, phát triển kinh tế đất nước, giải quyết những vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn ở cơ sở, các địa phương.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) chia sẻ về kỳ vọng tại phiên chất vấn sắp tới. (Video: TRUNG HƯNG) |
Đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng kỳ chất vấn này sẽ đạt chất lượng, hiệu quả và đáp ứng được mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước, góp phần đưa ra một loạt giải pháp để xây dựng, phát triển đất nước những tháng cuối năm 2022 cũng như trong năm 2023.
Theo đại biểu, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ được lựa chọn trả lời chất vấn thể hiện được ý chí của các đoàn đại biểu Quốc hội thông qua việc lấy phiếu để xin ý kiến chất vấn những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Liên quan các nội dung cử tri mong muốn gửi gắm đến Quốc hội qua phiên chất vấn này, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, đó là những vấn đề mà hiện nay rất nhiều cử tri quan tâm như sắp xếp lại biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc tăng lương và tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện, bối cảnh đất nước vừa trải qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Theo đại biểu, liên quan vấn đề tăng biên chế cho ngành giáo dục cũng như cho đội ngũ bác sĩ, ở địa phương hiện nay rất khó khăn trong việc tuyển dụng cũng như sử dụng biên chế hiện có đang không bảo đảm được theo yêu cầu đặt ra.
Bên cạnh đó, liên quan đến chuyển đổi số, cử tri cũng mong muốn cần phải có những chính sách, giải pháp căn cơ, phù hợp cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, gắn với công nghệ thông tin, phát triển công nghệ số đạt chất lượng, hiệu quả.
Cử tri rất mong đợi, kỳ vọng vào 1 phiên trả lời chất vấn đáp ứng được mong mỏi của cử tri và nhân dân.
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình)
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, trong thời gian qua, cử tri và nhân dân đã thấy sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản sau các vụ tham nhũng thì hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Cử tri, đại biểu Quốc hội mong muốn Thanh tra Chính phủ, một số Bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng phương thức, cách thức phù hợp, thực hiện giải pháp mà Thanh tra Chính phủ đưa ra trong thời gian tới để thực hiện hiệu quả tăng thu ngân sách Nhà nước và bảo đảm những kết luận vụ án thực sự hiệu quả.
Cùng với đó, các quy hoạch tổng thể quốc gia, chính sách về quy hoạch, các giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng nhà cho hộ nghèo, nhà ở cho công nhân hiện nay cũng cần cơ chế, chính sách.
Đại biểu bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Xây dựng đưa ra các giải pháp để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, bị ảnh đại dịch. Tới đây, đại biểu cũng kỳ vọng công nhân lao động ở các địa phương được tạo điều kiện mua nhà giá rẻ hoặc được thuê căn hộ, qua đó phần nào hỗ trợ, giúp đỡ họ có điều kiện yên tâm đi làm tăng thu nhập và có cuộc sống ổn định.
“Tôi cho rằng cử tri rất mong đợi, kỳ vọng vào 1 phiên trả lời chất vấn làm sao đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri và nhân dân”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.
Nêu cao trách nhiệm trước cử tri, nhân dân
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) chia sẻ bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Chung quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, lĩnh vực thanh tra, trong đó có vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, công bố các kết luận thanh tra… sẽ là các vấn đề được các đại biểu lựa chọn chất vấn.
Bày tỏ quan tâm đến vấn đề cán bộ, công chức bỏ việc, các chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đại biểu cho biết đây là một trong những kiến nghị của cử tri muốn chuyển đến Quốc hội qua phiên chất vấn này.
Vấn đề tiếp theo là nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra. “Kiểm tra, thanh tra phải làm sao thực chất, để qua đó tăng cường chất lượng, năng lực của đội ngũ thanh tra cũng như chất lượng của các cuộc thanh tra”, đại biểu nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng khi đã quyết định thanh tra thì dứt khoát phải công khai được kết luận thanh tra, chứ không vì bất kỳ lý do gì mà thanh tra rồi lại không ban hành được kết luận.
Kiểm tra, thanh tra phải làm sao thực chất, để qua đó tăng cường chất lượng, năng lực cũng như chất lượng của các cuộc thanh tra.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)
Bày tỏ kỳ vọng người được chất vấn là các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời thẳng thắn, tập trung và trực diện, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng mong muốn trong thời gian có hạn, người được chất vấn sẽ trả lời những vấn đề nêu ra một cách thấu đáo, rõ gọn và đầy đủ những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.
Theo đại biểu, thông qua diễn đàn này cũng là 1 cơ hội để cho các Bộ trưởng giãi bày, nói lên những kế hoạch, những vấn đề đang triển khai, thực hiện và thu hút sự ủng hộ của đại biểu Quốc hội, của cử tri và đông đảo dư luận cả nước.
Điều quan trọng hơn, đại biểu Tạ Văn Hạ mong muốn, sau chất vấn mỗi đại biểu khi đưa ra câu hỏi chất vấn phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nội dung chất vấn đó.
“Các Bộ trưởng cũng cần phải có trách nhiệm với những câu trả lời của mình, với kết quả, với những lời hứa, cam kết của mình để thực hiện trước cử tri, đại biểu Quốc hội và nhân dân”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu nêu rõ cần tránh chuyện đặt vấn đề, đưa ra những câu hỏi rồi sau bỏ đấy. Vấn đề phải được nêu ra nhưng cũng phải có giải pháp để khắc phục, giải quyết và phải được giám sát và theo dõi đến cùng.
Đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng sau phiên chất vấn này, các lĩnh vực được chất vấn và trả lời chất vấn sẽ có những thay đổi và chuyển biến tích cực.