Bảo đảm dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động Quốc hội

NDO - Việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội với 31 nhóm vấn đề mới được đánh giá cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm đề ra, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, qua đó bảo đảm tăng tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Chiều 2/11, giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm cho dự thảo này.

Thay mặt Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, qua 135 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và 18 lượt thảo luận và 3 ý kiến tranh luận tại Hội trường, việc sửa đổi nội quy này đã giành được sự quan tâm rất lớn của đại biểu Quốc hội, qua đó giúp cụ thể hóa và sửa đổi những quy trình, thủ tục trong hoạt động Quốc hội ngày càng tốt hơn.

Tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng để hoàn thiện nội quy, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể các đại biểu đã nêu.

Bảo đảm dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động Quốc hội ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Liên quan đến tên gọi, thể thức của văn bản, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, tên gọi Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đang kế thừa những kết quả, những đóng góp của Nghị quyết về Nội quy kỳ họp trong nhiều khóa, tiếp tục phát huy kết quả và những thành tựu, những đóng góp của Nội quy kỳ họp để xem xét sửa đổi.

Trước mắt, theo Tổng Thư ký Quốc hội, Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) dự kiến sẽ vẫn được thông qua ở kỳ họp này, còn lâu dài sẽ xem xét nâng lên thành luật để quy định các trình tự, thủ tục trong kỳ họp Quốc hội.

Về tài liệu phục vụ kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, vừa qua, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã có rất nhiều cố gắng trong việc bảo đảm thời gian gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm đôn đốc, đề nghị với các cơ quan gửi tài liệu đúng thời hạn.

Về lâu dài, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, cũng cần phải tiếp tục có chế tài để các cơ quan, các đồng chí đứng đầu chú tâm hơn trong việc bảo đảm thời gian gửi tài liệu.

Bảo đảm dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động Quốc hội ảnh 2

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về nội dung xin ý kiến đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, trước mắt sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để bắt đầu từ kỳ họp này, những nội dung cần phải xin ý kiến đại biểu trước khi biểu quyết toàn văn sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất 24 giờ để đại biểu xem xét vấn đề này.

Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định, Quốc hội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, theo nguyên tắc đa số, quá bán. Do đó, phiếu ý kiến là căn cứ quan trọng để xem xét, quyết định các vấn đề, và khi sửa đổi mà cần xin ý kiến thì sẽ theo phiếu này để xem xét tiếp thu vào nội dung.

Liên quan vấn đề dự khán của người dân và của đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết cũng đã có các quy định cho nội dung này. Tới đây, Quốc hội sẽ có quy định chính thức để làm căn cứ cho việc giúp người dân có nhu cầu tham gia dự khán phiên họp.

31 nhóm vấn đề mới đáp ứng yêu cầu sửa đổi

Bảo đảm dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động Quốc hội ảnh 3

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 2/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận chiều 2/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau thời gian làm việc khẩn trương, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trí tuệ và chất lượng cao về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết, đồng thời cho rằng việc sửa đổi Nội quy kỳ họp với 31 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm đề ra, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tăng tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội.

Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể, đề xuất phương án tích cực hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng của dự thảo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các vấn đề đại biểu Quốc hội đã phát biểu để tiếp thu tối đa các ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối Kỳ họp thứ tư.